(HNM) - Sau 8 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những sản phẩm
Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước. Ảnh: Thái Hiền |
92% người tiêu dùng quan tâm hàng Việt
Theo kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện, 92% người tiêu dùng được hỏi "rất quan tâm" và "quan tâm" đến cuộc vận động; 63% người tiêu dùng "tự xác định mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tỷ lệ hàng nội địa có mặt tại các siêu thị chiếm từ 80 đến 85%. Số liệu nghiên cứu của Công ty Đo lường toàn cầu (Nielsen) cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh và 83% người tiêu dùng tại Hà Nội chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt khi mua sắm.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, Đề án phát triển thị trường trong nước, kết nối cung cầu do Bộ Công Thương chủ trì đang giúp doanh nghiệp nội tăng cường sự hiện diện các sản phẩm sản xuất trong nước tại các hệ thống phân phối hiện đại. Hiện tại, hàng Việt có mặt tại các chuỗi siêu thị đã chiếm tỷ lệ cao (như BigC là 80%).
Tuy nhiên, các chuyên gia bán lẻ cho rằng, doanh nghiệp trong nước muốn đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị phải tập trung quảng bá, truyền thông thương hiệu, thu hút khách hàng… chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống bán lẻ.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) cho biết, BigC áp dụng các tiêu chí hàng hóa vào siêu thị phải bảo đảm chất lượng, giá bán hợp lý, nguồn hàng cung cấp ổn định… Nhưng, hiện nay vẫn còn một số sản phẩm trong nước chưa xây dựng được thương hiệu đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, bị "đánh bật" khỏi siêu thị do giá bán chưa tốt, nguồn hàng cung cấp không ổn định…
Đầu tư hơn nữa cho chất lượng
Nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy, giá cả là một phần quan trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, tuy nhiên đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, điều này đã không còn là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn. Họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn nếu tin rằng sản phẩm đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn là một sản phẩm giá rẻ đơn thuần.
Đồng tình với nghiên cứu của Công ty Nielsen, ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp chia sẻ, hằng năm Công ty dành khoản vốn không nhỏ cho việc đầu tư công nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến phương thức làm việc, quản lý, thay đổi mẫu mã để sản phẩm đạt tiêu chí tốt, bền, đẹp. Hơn nữa, dù các chi phí "đầu vào" tăng lên nhiều nhưng công ty chủ trương không tăng giá, nên sản phẩm của đơn vị luôn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, doanh thu tăng mạnh từng năm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nhận định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng, đầu tư hệ thống phân phối để giúp người tiêu dùng có cơ hội sở hữu những sản phẩm tốt nhất. Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các sản phẩm Việt có cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Nhưng trong bối cảnh yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải liên tục đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì đẹp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hơn trong chăm sóc khách hàng...
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, vấn đề nhãn mác, bao bì vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư đúng mức, đặc biệt với ngành thực phẩm thì bao bì chưa tương xứng với chất lượng, giá trị hàng hóa. Điều này làm giảm khả năng tiếp thị và quảng bá sản phẩm tới thị trường quốc tế. Ông Vũ Thanh Sơn, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, bao bì sản phẩm hấp dẫn sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu qua nhận diện sản phẩm. Đây cũng là yếu tố tác động và thúc đẩy quá trình mua hàng của người tiêu dùng.
Để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa, đặc biệt là vùng nông thôn. Tại phiên chợ Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tại huyện Thạch Thất mới đây, nhiều người cho rằng, sản phẩm Việt có uy tín khi xuất khẩu, nhưng cùng nhãn hiệu đó hàng dành cho thị trường nội địa, nhất là vùng nông thôn, chất lượng lại thua hàng ngoại nhập, nên họ ít tiêu thụ hàng nội. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải chú ý những hàng rào kỹ thuật và biện pháp kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần có ý thức tẩy chay hàng hóa không rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng…, thì hàng Việt mới có chỗ đứng vững hơn tại "sân nhà".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.