Trong 3 phiên đấu thầu vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức các ngày 22, 23 và 25-4, có tới 2 phiên phải hủy do không đủ đơn vị tham gia. Trong bối cảnh giá vàng “nóng” nhất kể từ trước đến nay, đâu là lý do đấu thầu vàng không hấp dẫn?
Chỉ 1/3 phiên thực hiện thành công
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 25-4 bị hủy do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đấu thầu 16.800 lượng vàng, tỷ lệ đặt cọc 10%, khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa là 2.000 lượng.
Trước đó, phiên đấu thầu ngày 22-4 cũng thiếu đơn vị đăng ký. Ngay cả phiên ngày 23-4, 16.800 lượng vàng được đưa ra đấu giá nhưng chỉ có hai đơn vị trúng thầu 3.400 lượng.
Mặc dù giá vàng thời gian qua tăng phi mã, song số đơn vị tham gia đấu thầu “èo uột”, cho thấy chính sách đấu thầu không thực sự hấp dẫn. Theo số liệu mới nhất, cả nước hiện có gần 40 đơn vị kinh doanh vàng, dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp có tiềm lực về vốn không nhiều.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), yêu cầu về khối lượng đấu thầu tối thiểu quá lớn, với 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng, là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không thiết tha. Bởi, nếu trúng thầu mức tối thiểu 1.400 lượng vàng, với giá vàng vào khoảng 81 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra số vốn hơn 110 tỷ đồng. Đó là chưa kể thời điểm đấu thầu đến thời điểm nhận vàng tương đối dài khiến doanh nghiệp có thể phải đối mặt rủi ro nếu giá vàng biến động mạnh.
Thực tế, có những thời điểm, giá vàng thay đổi liên tục chỉ trong 24 giờ. Ví dụ, ngày 25-4, giá vàng SJC giảm mạnh, với mức giảm 800 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, còn 81,7 triệu đồng/lượng; giảm 500 nghìn đồng/lượng với chiều bán ra, xuống 84 triệu đồng/lượng. Nếu đấu thầu vào thời điểm giá vàng ở mức cao, trong khi giá vàng lại điều chỉnh giảm vào ngày doanh nghiệp nhận vàng và số lượng trúng thầu lớn, doanh nghiệp có thể rơi vào khó khăn.
Về phía doanh nghiệp kinh doanh vàng, Giám đốc Công ty Vàng đối tác mới (NPJ) Nguyễn Ngọc Trọng cũng cho hay, thực tế, nếu trúng thầu vàng phiên 25-4, phải qua kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, doanh nghiệp mới nhận được vàng. Trong khi đó, thời gian từ đây qua lễ khá dài, biến động của giá vàng rất khó lường. Chưa kể không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn vàng để bán ra trước khi nhận vàng về để bù trạng thái. Như vậy, rất rủi ro cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước quy định, trong trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung, cơ quan này có thể quyết định hủy kết quả thầu. Thông tin này cũng khiến doanh nghiệp do dự.
Đại diện nhiều công ty kinh doanh vàng khác cũng thừa nhận, biên lợi nhuận kinh doanh vàng không lớn, chỉ khoảng 2 triệu đồng/lượng, trong khi rủi ro về biến động giá mạnh. Giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới, nên giá vàng trên thị trường thế giới tăng, giảm thất thường cũng khiến các đơn vị kinh doanh vàng trong nước e ngại tham gia đấu thầu vàng.
Nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu
Để có thể thực hiện đấu thầu thành công, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một đơn vị được phép đặt thầu xuống 500 lượng.
Mức giá sàn Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng cần hấp dẫn hơn, thay vì mức cao như những ngày qua. Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá đúng dung lượng thị trường, sức tiêu thụ của người dân cũng như thực lực của doanh nghiệp, nếu quy định như hiện nay, ít doanh nghiệp dám đấu thầu, mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới khó thực hiện.
Tuy nhiên, để “hạ nhiệt” giá vàng trong nước, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung, không phải là giải pháp căn cơ. Xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại và cũng theo thông lệ quốc tế, cho phép các đơn vị đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá vàng trong nước chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Cùng với đó, sẽ kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc trong các năm 2022, 2023.
Với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm bảo đảm đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan yêu cầu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.