An toàn thực phẩm

Hoài Đức: Xử phạt 7 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Hương Tú 19/05/2024 15:50

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, các đoàn kiểm tra của huyện Hoài Đức đã kiểm tra 74 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại địa bàn huyện Hoài Đức, nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5).

kiem-tra-co-so-san-xuat-cua-cong-ty.jpg
Đoàn kiểm tra số 1 của thành phố kiểm tra kho chứa nguyên liệu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đức Hạnh. Ảnh: Hương Tú.

Theo UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn toàn huyện có 2.002 cơ sở thực phẩm. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, huyện đã thành lập 23 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, trong đó có 3 đoàn tuyến huyện và 20 đoàn tuyến xã, thị trấn.

Kết quả, các đoàn đã kiểm tra được 74 cơ sở, trong đó có 67 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện 7 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 76 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu của 7 cơ sở này là: Nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm theo quy định. Ngoài ra, khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh theo quy định.

Trực tiếp kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đức Hạnh (ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức), đoàn kiểm tra lưu ý, cơ sở vật chật của cơ sở cần được nâng cấp, cải thiện các điều kiện về bảo đảm vệ sinh, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại xâm nhập. Ngoài ra, công ty cần bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.

kiem-tra-co-so.jpg
Đoàn kiểm tra số 1 kiểm tra Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đức Hạnh. Ảnh: Hương Tú

Kết thúc buổi kiểm tra, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, các đoàn kiểm tra của huyện cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào việc hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân được biết.

Cùng với công tác kiểm tra, các đoàn kiểm tra cần phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức: Xử phạt 7 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.