(HNM) - Trần Hùng John, chàng trai trẻ người Mỹ gốc Việt vừa nhận Giải Bạc Sách hay 2015 dành cho tác phẩm viết về chuyến xuyên Việt khám phá bản sắc văn hóa nguồn cội
Trần Hùng John giao lưu với độc giả. |
Ngay sau lễ trao giải của Hội Xuất bản Việt Nam, diễn ra vào cuối tuần qua, Trần Hùng John đã có cuộc trò chuyện với Báo Hànộimới về tác phẩm này cũng như câu chuyện về văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay.
- “John đi tìm Hùng” đã được tái bản nhiều lần, đã giành Giải Bạc Sách hay 2015 sau khi tác giả bổ sung phần Vĩ thanh. Vì sao bạn bổ sung phần này và giải thưởng có ý nghĩa gì đối với bạn?
- “John đi tìm Hùng” ra mắt đã được 3 năm rồi và lần tái bản mới đây tôi đã bổ sung thêm phần Vĩ thanh, là những trải nghiệm mới của tôi trong khoảng thời gian hai năm liên tục ở Việt Nam. Sau khi tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, truyền thông, du lịch, tôi có thêm hiểu biết về văn hóa, xã hội cũng như các lĩnh vực khác ở Việt Nam, củng cố niềm tin đối với dự định định cư lâu dài tại Việt Nam và hy vọng có thêm nhiều việc làm thiết thực cho quê hương.
Ngay từ bé tôi đã mơ ước viết một cuốn sách của riêng mình. Tác phẩm “John đi tìm Hùng” được tái bản, được bạn đọc đón nhận và được trao giải thưởng. Với tôi, đó là niềm vui, niềm khích lệ lớn lao để tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ viết tiếp những trang sách mới.
- Hẳn là Hùng John còn nhớ, một câu trong tác phẩm này đã được đưa vào đề thi đại học của Việt Nam trong năm 2013. Bạn nghĩ thế nào về sự tác động của tác phẩm này đối với độc giả trẻ Việt Nam cũng như phụ huynh của họ?
- Khi đang ở Mỹ và nhận được hình ảnh do các bạn ở Việt Nam chụp đề thi đại học có trích dẫn tác phẩm của mình, tôi thấy rất vui, tự hào. Thực tế, nhận định “Phần nhiều người Việt Nam thụ động...” đã gây ra sự tranh luận có ích. Trong những chuyến giao lưu, trò chuyện với bạn đọc trẻ ở nhiều nơi, tôi từng bày tỏ: Nếu bạn nghĩ nhận định này chưa hoàn toàn đúng thì bằng hiểu biết của bạn, hãy chứng minh cho tôi thấy rõ điều đó.
Thật ra, chúng ta đều nhận thấy là các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh, giỏi giang, nhưng, theo tôi, họ vẫn cần một sự dũng cảm và tinh thần dấn thân nhiều hơn. Cuốn sách của tôi, nếu có thể tạo nên sự tranh luận và cảm giác băn khoăn, suy nghĩ trong các bạn trẻ nói riêng và độc giả nói chung về sự tự tin đổi mới, tính tiên phong của người trẻ trên nền hiểu biết văn hóa dân tộc, thì đó cũng là điều đáng mừng.
- Bạn có thể chia sẻ quan điểm về việc đọc sách hiện nay, nhất là đối với các bạn trẻ?
- Tôi rất nhớ, khi tôi còn bé, mẹ đọc sách cho tôi nghe vào mỗi tối, trước khi đi ngủ. Tôi nghĩ rằng, để có văn hóa đọc thì cha mẹ phải tạo dựng thói quen đọc sách cho con từ sớm. Lớn lên, chúng ta đọc nhiều hơn và cũng nên đọc nhiều loại sách. Tuy nhiên, tôi nghĩ, không thể chỉ đọc sách mà trưởng thành được, cần có thêm trải nghiệm thực tế thì những gì ta đọc mới thực sự có ích.
- Sau “John đi tìm Hùng”, bạn sẽ có thêm những tác phẩm mới để giới thiệu với bạn đọc?
- Hiện nay, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn sách mới mà mình ấp ủ từ lâu - nói về những vấn đề của giáo dục trẻ em trong gia đình Việt Nam. Mặc dù chưa có gia đình, chưa có con (cười) nhưng qua quan sát, và đặc biệt là từ góc nhìn của một người con, tôi sẽ chia sẻ quan điểm riêng về điều này. Tác phẩm dự kiến có tên gọi là “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ”.
Mỗi chương sẽ là một câu chuyện về một vấn đề giáo dục trẻ em mà nhiều người quan tâm, như bệnh so sánh thành tích giữa con mình với trẻ khác của các phụ huynh; về tạo dựng thói quen tự lập; xây dựng lòng tự tin ở trẻ; giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi... Không chỉ là chia sẻ ký ức, suy nghĩ của riêng mình, tôi hy vọng kiến thức tâm lý học mà mình từng được học sẽ góp phần giúp cuốn sách có tính khoa học, thuyết phục hơn.
- Xin cảm ơn Hùng John!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.