Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” của tác giả Lê Y Linh đưa độc giả lần ngược thời gian tìm về hát văn và thực hành hầu bóng trước năm 1990.
Ngày 4-5, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Tri Thức Trẻ Books tổ chức ra mắt cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” và tọa đàm với chủ đề “Vai trò của nhạc và văn trong tín ngưỡng hầu bóng”.
Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dày 800 trang, là câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và của nghệ nhân hát văn, giúp độc giả hiểu về tín ngưỡng hầu bóng trong Đạo Mẫu và nghệ thuật hát văn trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt.
Đây là kết quả đúc kết từ hơn 40 năm nghiên cứu, tìm tòi với những đợt điền dã bền bỉ của tác giả Lê Y Linh từ cuối những năm 1980 tại Hà Nội và Nam Định theo các bậc cung văn trưởng lão.
Cuốn sách gồm hai phần: “Hầu bóng - nhạc - văn”, “Di sản trăm năm văn chầu và thầy Phạm Văn Kiêm”. Trong đó, phần miêu tả, chú giải, phân tích ngôn ngữ âm nhạc, diễn biến nghi lễ, cấu trúc điện thánh được tham chiếu với kết quả nghiên cứu của các học giả Pháp và Việt Nam, cùng nhiều tư liệu hiếm.
Trong cuốn sách này, độc giả được tiếp cận với hơn 100 bản văn trong bộ sưu tập của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm (1921-1998), một bậc đại thụ của các cung văn Hà Nội, được đối chiếu với các bản văn cổ từ đầu thế kỷ XX. Trong đó, 60 bản đã được Ngô Nhật Tăng, Lê Phương Duy và Kim Trung Linh chú giải chi tiết. Ngoài ra, sách còn có 50 bản văn cổ xuất bản từ 1922 đến 1954.
Cuốn sách cũng giới thiệu những hình ảnh các học trò của nghệ nhân Phạm Văn Kiêm vẽ trong những tập chép văn của thầy từ những năm 1970 và tranh dân gian Hàng Trống về đạo thờ Tứ phủ từ đầu thế kỷ XX. Độc giả có thể nghe được các bài nhạc phân tích bằng cách quét mã QR in trong sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.