Sách

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Điện Biên vang dậy bốn phương

Đặng Huy Giang 07/05/2024 - 05:56

Trong thơ, việc “truyền cảm hứng” là điều rất quan trọng và được đánh giá rất cao. Trên thực tế, không ít nhà thơ đã cho ra đời những áng thơ hay, nhờ được “truyền cảm hứng”.

“Tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (“Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ”. Đó là lời tâm sự của nhà thơ Hữu Thỉnh khi trường ca “Giao hưởng Điện Biên” (NXB Quân đội nhân dân) vừa được xuất bản để “kính dâng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thế hệ cha anh đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.

Trường ca khá dày dặn và đầy đặn, gồm 21 chương với gần 2.300 câu thơ, đan xen vào đó là 5 bình luận, trong đó đáng chú ý là “Bình luận 5” mang tên “Khúc tưởng niệm” là phần kết, đồng thời cũng có thể coi là khúc vĩ thanh.

Với cảm xúc gián tiếp, có sở cứ trên cơ sở bám sát, bám chặt tư liệu lịch sử và cả cảm xúc trực tiếp khi trở đi trở lại Điện Biên nhiều lần sau này, Hữu Thỉnh đã chứng tỏ là một cây bút bản lĩnh, có nghề, có tâm, có tài khi ông đem đến cho độc giả những trang thơ có sức lôi cuốn nhất định về Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Điều này càng được đánh giá cao khi tác giả là một người đã ở tuổi 82.

Ngay từ chương 1, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “Người ra trận đầu tiên”. Có thể nói, mỗi bước chân của Người trong những tháng năm ấy, luôn gắn bó một cách ân tình, sâu sắc với quê hương, xứ sở: “Mỗi bước nặng thêm tình đất nước/ Cơm nắm đèo cao hửng nắng phơi/ Quán nhỏ dừng chân thành thân thiết/ Cây cỏ hồn nhiên cũng cất lời”.

Nếu coi “Người ra trận đầu tiên” là phát hiện thứ nhất, thì “đường Điện Biên/ mở bằng/ tiếng cuốc” là phát hiện thứ hai. Nên nhớ trong thơ, sự phát hiện luôn được đánh giá cao, nếu như không muốn nói là cao nhất. Phải có cái nhìn, tầm nhìn mới mẻ, gần như là cái nhìn, tầm nhìn đầu tiên, người viết mới viết được những gì mà người khác chưa viết được và không viết được. Ở đây, tiếng cuốc hay nói chính xác hơn là những nhát cuốc đã mở “những con đường/ chưa từng có/ trên hành tinh/ đau đớn gian lao” và nhờ thế, “ta rút ngắn thời gian/ bằng tiếng cuốc”.

Những câu thơ trích trong chương 5 mang tên “Con đường ngắn nhất” là một trường đoạn thành công nhất, để lại ấn tượng mạnh nhất và là điểm nhấn của “Giao hưởng Điện Biên”: “Điện Biên Phủ/ bao người không ngủ/ đào chiến hào mở lối xung phong/ vừa chợp mắt/ lại quàng lấy cuốc/ gió buốt/ mồ hôi vẫn nhỏ dòng/ chiến dịch/ cứ nhích lên/ từng bước/ những mảng đêm/ đổ xuống/ mịt mùng/ súng bắn chặn/ đèn dù/ pháo sáng/ tiếng cuốc/ gan lỳ/ bền bỉ góp công/ từ trong rừng/ mở ra/ từ trên đồi/ xả xuống/ đất đỏ tươi/ theo vách chiến hào”... Đoạn thơ này không chỉ có nhịp điệu về mặt hình thức, mà còn rất có “không khí” về mặt nội dung, nó hòa quyện, gắn kết với nhau như một thể thống nhất.

Nếu những người lính “đến Điện Biên chia nhau từng cái chết/ đứng chen vai từng thước đất chiến hào”, thì những người cùng tham gia trận Điện Biên làm nên một cuộc chiến tranh toàn diện, toàn dân và cũng có những đóng góp lớn. Đó là một nữ sinh Hà thành từ bỏ tất cả lên Điện Biên “chia lửa”: “Chín năm cơm nắm cơm khoai/ Chín năm xếp lại áo dài Thủ đô/ Đèo cao núi thẳm sương mù/ Lòng vui nhẹ bước chiến khu dặm trường.../ Cô nữ sinh Trưng Vương/ Ra đi đêm mười chín/ Thành một nữ cứu thương/ Lớn lên cùng kháng chiến”. Và không chỉ có nữ sinh Trưng Vương mà còn nhiều người khác, ở nhiều ngành nghề khác, ở nhiều địa phương khác, với lòng yêu nước thiết tha, cũng có những đóng góp lớn như thế! Đã có nhiều tấm gương sáng được phản ánh qua “Giao hưởng Điện Biên” một cách tự nhiên như Trần Đại Nghĩa, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Sáng, Hoàng Văn Thành, Bế Văn Đàn...

“Bình luận 5” khép lại “Giao hưởng Điện Biên” cũng có thể được coi là điểm nhấn nữa, khép lại trường ca này. Những câu thơ này có tác dụng ngân vang, nối dài ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên và tri ân những người hy sinh oanh liệt vì Điện Biên, vì cả nước đến tận hôm nay. Riêng câu “Đời thì ngắn mà danh thì bất tử” là một câu thơ đáng nhớ, rất đáng đánh dấu khuyên vào đó.

“Những nấm mộ dọc đường số sáu
Đã đón về trong những nghĩa trang
Đời thì ngắn mà danh thì bất tử
Nối dài thêm nghĩa nước tình làng

Hãy đến thăm Nghĩa trang Độc lập
Rồi Nghĩa trang A1 thắp hương
Những người lính đã làm nên lịch sử
Cho Điện Biên vang dậy bốn phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Điện Biên vang dậy bốn phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.