(HNM) - Thời gian qua, các ban của HĐND thành phố Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ thẩm tra kỹ, giám sát sâu, phục vụ tốt các kỳ họp, các ban HĐND thành phố còn tham gia giải quyết hiệu quả các công việc đột xuất của thành phố. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Các ban HĐND thành phố Hà Nội: Thẩm tra kỹ, giám sát sâu, phục vụ tốt”.
Dấu ấn nổi bật trong hoạt động của 4 ban HĐND thành phố Hà Nội (Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Đô thị) là phối hợp thực hiện tốt công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp. Đây là căn cứ quan trọng giúp đại biểu xem xét, thực hiện quyền quyết định tại các kỳ họp HĐND thành phố.
Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức 11 kỳ họp, ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến sự phát triển của thành phố cả trước mắt và lâu dài. Góp phần vào thành công của các kỳ họp chính là công tác thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga chia sẻ, để thực hiện tốt công tác thẩm tra các văn bản trình kỳ họp, Ban thường tiến hành khảo sát thực tiễn trước, sau đó tổ chức họp đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản trình kỳ họp. Do đó, báo cáo thẩm tra của Ban tăng tính phản biện, rõ quan điểm, cung cấp nhiều thông tin, luận cứ khoa học, tạo thuận lợi cho đại biểu trong quá trình xem xét, quyết nghị tại kỳ họp.
Đơn cử như, thẩm tra về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023 trình tại kỳ họp thứ mười một HĐND thành phố khóa XVI diễn ra tháng 3-2023. UBND thành phố đề xuất bổ sung danh mục 26 dự án thu hồi đất năm 2023 với diện tích 148,2ha và 23 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2023 với diện tích 37,54ha. Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, 3 dự án đầu tư công chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, nên chưa đủ căn cứ trình HĐND thành phố thông qua danh mục chuyển mục đích sử dụng đất lúa theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30-6-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi UBND thành phố báo cáo bổ sung, Ban Kinh tế - Ngân sách vẫn bảo lưu quan điểm, 3 dự án (xây dựng Trường Tiểu học Kim Hoa A và Trung học cơ sở Kim Hoa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh; mở rộng Trường Tiểu học Văn Khê A, xã Văn Khê, huyện Mê Linh; xây dựng tuyến đường giao thông vào trụ sở cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) chưa đủ điều kiện thông qua, nên trên cơ sở báo cáo thẩm tra, đại biểu HĐND thành phố đã quyết định chưa thông qua 3 dự án trên.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, trước khi thẩm tra, Ban chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát chuyên đề để có thông tin thực tế; mời các chuyên gia tham gia góp ý kiến vào một số chuyên đề. Vì vậy, các báo cáo thẩm tra mang tính phản biện cao, được UBND thành phố tiếp thu đầy đủ.
Cụ thể như, việc thẩm tra tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được hoàn thành trước khi Luật Phòng cháy và Chữa cháy có hiệu lực phục vụ cho kỳ họp giữa năm 2022 của HĐND thành phố. Ngoài việc xem xét báo cáo của UBND thành phố, Ban Pháp chế đã khảo sát thực tế và nhận thấy, tình trạng cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô diễn biến phức tạp, số vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản tăng cao. Trên cơ sở kết quả thẩm tra của Ban Pháp chế, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết; UBND thành phố ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết theo từng giai đoạn và từng năm. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng đối tượng...
Những kinh nghiệm quý
Nhiều đại biểu chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, trong quá trình thẩm tra cần chú trọng căn cứ, cơ sở pháp lý. Đối với lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đại biểu HĐND thành phố cần nắm chắc các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Điều 83 Luật Đầu tư công về xem xét, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương; Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước về căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao. Do đó, Ban Kinh tế - Ngân sách đã giúp đại biểu HĐND thành phố có đủ căn cứ thảo luận, quyết nghị tại các kỳ họp.
Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường cho rằng, để thẩm tra các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - đô thị giai đoạn tới, đại biểu cần căn cứ vào các nhận định về dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới, kết quả thực hiện các chỉ đạo, định hướng của Trung ương, để có nhận xét về tính khả thi của các chỉ tiêu, nhiệm vụ kỳ tới mà UBND thành phố đề xuất.
Cũng từ thực tiễn thẩm tra, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng đúc rút, để thẩm tra tốt, nhất là các nghị quyết, thì UBND thành phố cần gửi sớm tài liệu để thành viên các Ban Pháp chế có thời gian nghiên cứu, khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, ngoài thẩm tra kỹ báo cáo, các Ban HĐND thành phố còn phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá, khảo sát thực tiễn về một số nội dung trước kỳ họp. Các Ban của HĐND thành phố còn tổ chức ký quy chế phối hợp với các sở, ngành; giúp việc thẩm tra có chất lượng, khẳng định được các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và phát hiện nhiều vấn đề còn hạn chế, nổi cộm qua báo cáo, tờ trình để UBND thành phố tiếp thu, giải trình, bổ sung. Từ đó, giúp đại biểu HĐND thành phố có đủ căn cứ thảo luận, quyết nghị các nội dung tại kỳ họp.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.