Chính trị

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng kiểm tra, thanh tra công vụ

Hà Vũ 06/07/2023 11:06

“Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng các hình thức kiểm tra, thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ” - Đây là kiến nghị được nêu trong Báo cáo giám sát vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua sáng 6-7.

Sáng 6-7, tại kỳ họp thứ 12, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND thành phố về thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

thanh-hdnd-1.jpg
Phiên họp sáng nay, 6-7.

Làm rõ nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm

Kết quả giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, công tác CCHC của thành phố được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba khâu đột phá; được chỉ đạo quyết liệt, sát sao; đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, tạo được chuyển biến rõ nét, toàn diện trong các lĩnh vực CCHC.

Giai đoạn 2021-2025, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được Thành ủy, HĐND thành phố rất quan tâm và đưa vào Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố. UBND thành phố chỉ đạo, điều hành thực hiện bám sát vào chỉ đạo, quy định của Trung ương và Thành ủy. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về thực hiện công tác CCHC, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội đã chia thành 2 đoàn giám sát trực tiếp và tiến hành giám sát trực tiếp đối với 12 cơ quan, gồm 7 sở chuyên môn của UBND thành phố và 5 quận, huyện. Ngoài ra, Đoàn giám sát đã yêu cầu 22 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã gửi báo cáo về nội dung này.

Ngoài các thành viên theo Nghị quyết của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã mời nhóm chuyên gia có kinh nghiệm, đang công tác tại các cơ quan nghiên cứu, quản lý tại Trung ương tham gia Đoàn giám sát.

Hằng năm, đều ban hành Kế hoạch CCHC để triển khai thực hiện, kịp thời cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CCHC do Chính phủ giao; xây dựng kế hoạch cải thiện: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Kết quả chỉ số CCHC của thành phố các năm 2021, 2022 luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và có sự cải thiện hằng năm.

Nhiệm vụ về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số (được Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện) đã được UBND thành phố triển khai xây dựng thành nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện với nhiều chỉ tiêu được tăng so với chỉ tiêu quy định chung của Chính phủ. UBND thành phố đã ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy chỉ số cải cách hành chính của thành phố có tăng về điểm số và thứ hạng nhưng một số chỉ tiêu thành phần có dấu hiệu giảm, trong đó có chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố; tụt 16 bậc so với năm 2021. Mặc dù UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch khắc phục nhưng Chỉ số SIPAS chưa có sự cải thiện về xếp hạng. Năm 2022, Chỉ số PAPI của thành phố sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2021, chỉ số tổng hợp PAPI 2022 giảm 3 bậc và có tới 5/8 chỉ số thành phần giảm. Chỉ số PCI năm 2022 cũng tụt 10 bậc so với năm 2021, đứng ở vị trí 20/63 tỉnh, thành phố.

Các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CCHC của giai đoạn, các nhiệm vụ về chuyển đổi số đều được xác định đầu mối cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện, có xác định thời gian thực hiện, nhưng chưa xác định thời gian hoàn thành hoặc xác định lộ trình để đạt được chỉ tiêu hoặc chưa xác định được chủ thể thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, còn một số nhiệm vụ về CCHC, chuyển đổi số không có căn cứ để xác định việc hoàn thành đã bảo đảm yêu cầu về tính kịp thời.

Báo cáo giám sát của HĐND thành phố Hà Nội.

Báo cáo giám sát của HĐND thành phố đã đánh giá, phân tích cụ thể, chi tiết, nêu rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số và 5 lĩnh vực cải cách hành chính gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; công tác cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công. Đi kèm báo cáo còn có 8 phục vụ số liệu và các kiến nghị cụ thể...

Thực hiện theo tiêu chuẩn ISO

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của HĐND thành phố đề xuất, kiến nghị HĐND thành phố giao UBND thành phố rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số để báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; đồng thời giao UBND thành phố rà soát toàn bộ các nội dung nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được nêu trong các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Chương trình số 01-CTr/TU và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy, đối chiếu với các kết quả đạt được, trên cơ sở các nội dung đánh giá về hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của các cơ quan thuộc thành phố, xây dựng kế hoạch để khắc phục các hạn chế nêu trong báo cáo kết quả giám sát này.

Trong đó, Đoàn giám sát đề nghị tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, đó là tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ đề công tác năm 2023 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, phát triển”; làm tốt công tác quán triệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố tới toàn thể các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố.

“Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng các hình thức kiểm tra, thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ, các trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, các trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực”, báo cáo nêu rõ.

Kết luận giám sát đồng thời đề nghị UBND thành phố tập trung hoàn thiện việc phân cấp, ủy quyền theo quy định của Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 23/NQ-HĐND của HĐND thành phố gắn với việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ đạo các cơ quan rà soát, nghiên cứu và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ, quy trình nội bộ, trong đó lưu ý việc xây dựng các quy trình phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn ISO.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng kiểm tra, thanh tra công vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.