Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Để trở thành sự tự giác

Hiền Thu| 17/01/2019 07:39

(HNM) - Yêu cầu thực tế về văn hóa công vụ hiện nay đòi hỏi các cơ quan nhà nước và mỗi

Bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Hữu Tiệp


Phát huy nền tảng sẵn có

Việc triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ trong thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi, bởi cả nước đang thực hiện Luật Cán bộ, công chức; Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính…

Với TP Hà Nội, việc triển khai cũng có nhiều lợi thế, nhất là năm 2019, thành phố tiếp tục triển khai chủ đề công tác: “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; thực hiện Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 26-2-2018 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội, hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả”... Trong đó, nhiều quy định về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử có điểm trùng với nội dung của Đề án Văn hóa công vụ…

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lê Thanh Hải: “Cơ bản những nội dung trong Đề án Văn hóa công vụ tương đồng với các quy định đang thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, Đề án ra đời với sự đúc kết các quy định cụ thể sẽ xốc lại tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, viên chức”. Đây cũng là nhận định chung của lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước.

Là cán bộ tiếp nhận hồ sơ hành chính lâu năm tại bộ phận "một cửa" của UBND quận Hoàn Kiếm, ông Trần Việt Bắc chia sẻ: "Tôi cho rằng, để thực hiện hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tiếp tục thực hiện tốt 10 tiêu chí phục vụ nhân dân đã được TP Hà Nội quy định, niêm yết tại bộ phận "một cửa" các đơn vị. Đặc biệt hiện nay, Hà Nội mới triển khai hệ thống "một cửa" điện tử thành phố dùng chung 3 cấp thì mỗi cán bộ, công chức cần nắm vững chuyên môn, thao tác nhanh, không ngừng hoàn thiện tác phong công vụ, tận tình hướng dẫn người dân".

Tại những đơn vị từng xảy ra tình trạng cán bộ “một cửa” có hành vi không đúng chuẩn mực với dân, việc thực hiện Đề án Văn hóa công vụ càng được đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) Nguyễn Quang Thắng cho biết: “Sau khi xảy ra việc ngày 10-1-2018, cán bộ trả lời công dân rằng "lãnh đạo đi vắng, không biết khi nào trả hồ sơ", phường đã yêu cầu người này viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm; chuyển vị trí công tác và bố trí cho đi học lớp về kỹ năng giao tiếp công vụ. Từ khi trở lại vị trí công tác, cán bộ này đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không có ý kiến người dân nào phàn nàn về việc ứng xử. Trên tinh thần hướng tới chuẩn mực đạo đức công vụ, chúng tôi sẽ quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ trong toàn đơn vị”.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Dù có nhiều thuận lợi khi thực hiện Đề án Văn hóa công vụ, nhưng từ thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn trường hợp chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố về kỷ luật, kỷ cương hành chính nên mỗi cơ quan, đơn vị cần nhìn nhận sâu sắc, có biện pháp triển khai hiệu quả Đề án. Trước hết là nghiên cứu kỹ nội dung Đề án Văn hóa công vụ, quán triệt, tuyên truyền để mỗi cá nhân hiểu và hành động trên tinh thần tự giác.

Đánh giá cao sự ra đời của Đề án Văn hóa công vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về việc thực hiện quy chế làm việc, công tác quản lý biên chế, tiền lương, việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố theo phương thức kiểm tra thường xuyên và đột xuất, không báo trước.

Trong đó, chú trọng kiểm tra việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra và tăng cường sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ trong việc giám sát, kiểm tra quy trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, để Đề án Văn hóa công vụ sớm đi vào cuộc sống, Bộ Nội vụ và các ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, cùng với việc tăng cường kiểm tra, thanh tra cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ. Tất cả nhằm để văn hóa công vụ trở thành sự tự giác; hoàn thiện phong cách chuẩn mực, chuyên nghiệp, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngày 16-1, phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án Văn hóa công vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ rà soát lại các vấn đề còn hạn chế trong thời gian qua, đề ra giải pháp, coi đó là mục tiêu thực hiện. Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong quá trình thực hiện các đơn vị cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, quan trọng là có sự phối hợp nhịp nhàng để không trùng lắp, không bỏ sót.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Để trở thành sự tự giác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.