Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy văn hóa công vụ

Trường Huy| 14/11/2022 06:22

(HNM) - Văn hóa công vụ là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, bởi kết quả của hoạt động này liên quan chặt chẽ đến xây dựng nền hành chính công hiện đại, liêm chính, sáng tạo, phản ánh mức độ phục vụ tổ chức, công dân đang ở mức nào...

Hiện nay, văn hóa công vụ đã có đổi mới và đạt những kết quả nhất định. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ thì hình thức, thẩm mỹ của trụ sở, trang phục của cán bộ, công chức đã chuẩn hóa, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta. Phong cách giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ đã có tiến bộ rõ rệt, góp phần hình thành nền hành chính công vụ Việt Nam từng bước hiện đại và hiệu quả, thể hiện rõ bước chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, ngăn chặn tiêu cực, tăng chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân.

Tuy nhiên, văn hóa công vụ thời gian qua vẫn có một số yếu kém. Trước hết, về tâm lý, nhiều cán bộ, công chức còn tư duy lấy công vụ để tiến thân, để có thu nhập, để thỏa mãn ước vọng oai oách “người nhà nước”. Từ đây dẫn tới hành vi “chọn việc nhẹ, thu nhập cao”, nhiều “màu”, thông qua các việc làm khuất tất. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng chính đáng của công dân. Biểu hiện rõ nhất là gây phiền hà, sách nhiễu, cá biệt còn có tình trạng “làm luật” trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân; hay giải quyết các yêu cầu, đơn thư của công dân còn chậm, để công dân phải đi lại nhiều lần. Việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa khách quan, công bằng, có sự thiên lệch, áp đặt chủ quan, dẫn đến suy giảm niềm tin, giảm nhiệt huyết. Hiện tượng vi phạm thời giờ làm việc, lãng phí thời gian làm việc (buôn chuyện tại công sở, làm việc riêng trong giờ hành chính hoặc trong thời gian đi công tác...), lãng phí nguồn lực công (tiền điện thoại, tiền điện, nước, vật tư văn phòng, xe công sử dụng cho mục đích riêng...) khá nhiều. Cá biệt, có cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, như: Đánh bạc, hủ hóa… Thói quen dựa “nhất ngồi lỳ, nhì đồng ý”, “dĩ hòa vi quý” khiến tình trạng “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh” và tư duy “nước trôi thì bèo trôi”, “nước nổi thì thuyền nổi”, “xấu đều hơn tốt lỏi” kìm hãm đấu tranh, kéo lùi sự phát triển.

Hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ở những cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp “lộ sáng” thời gian qua đã khiến nền văn hóa công vụ bị tai tiếng, mất uy tín. Gần đây nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố hơn 20 bị can, trong đó có nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành. Cảnh sát điều tra xác định hai ông này nhận hối lộ từ bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC 28 tỷ đồng… Hay như ngày 11-11, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) thông tin, đơn vị vừa khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) Nguyễn Văn Thiệp về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Để vai trò của văn hóa công vụ được khẳng định, thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước thì vấn đề trước hết là nâng cao chất lượng tuyển chọn, sắp xếp, đánh giá, bổ nhiệm... cán bộ, công chức theo hướng dân chủ, khách quan. Tăng cường tinh giản biên chế hơn nữa để tinh gọn bộ máy. Cần cải tiến môi trường công tác theo hướng lấy ứng xử văn hóa, thân thiện làm trung tâm, qua đó để cá nhân không phải đeo “mặt nạ công sở” bởi nghi thức, thủ tục, quyền uy tổ chức mà thay vào đó là thể hiện yêu thích, đam mê và phát huy năng lực, sở trường để cống hiến. Bồi dưỡng phong cách làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới tư duy của cán bộ, quản lý, thay vì coi cấp dưới là đối tượng thì chuyển sang coi nhân viên là một con người sáng tạo, công tâm trong đánh giá, biểu dương thành quả mà họ đạt được, quan tâm chia sẻ với họ khi họ khó khăn. Đặc biệt, người lãnh đạo cần công minh trong việc dùng người, cất nhắc cán bộ sao cho đúng tiêu chí quy định của Đảng, đúng người, đúng việc, đúng trình độ chuyên môn, năng lực, bảo đảm nâng cao hiệu quả làm việc cho nhân viên và xây dựng môi trường, khí thế làm việc khoa học, công minh, tránh để các thành viên trong tổ chức nghi kỵ, khiếu kiện...

Ngoài những giải pháp này, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò, sức mạnh của Công đoàn trong tập hợp cán bộ, công chức, viên chức, hướng tới mục tiêu cải thiện quan hệ lao động, nâng cao hiệu quả làm việc, hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức. Trong thực hiện phong trào xây dựng văn hóa công vụ, cần coi trọng kiểm tra, đánh giá, chấm điểm thường xuyên, chấm dứt kiểu hô hào phong trào nhưng thực tế “đầu voi đuôi chuột”.

Xây dựng văn hóa công vụ thực chất là xây dựng con người văn hóa với các phẩm chất nổi trội về chính trị, đạo đức, học vấn, năng lực, tài năng, trách nhiệm, có thái độ cầu tiến, hợp tác vì lợi ích chung và đặc biệt là tư duy văn hóa trong ứng xử với người, với việc, với tổ chức... Thế nên, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cũng cần cải cách tiền lương và các chế độ đãi ngộ đi kèm với đánh giá kết quả làm việc thực chất, tạo động lực xây dựng văn hóa công vụ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, đẩy mạnh giao lưu giữa cá nhân, tập thể, nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi sáng kiến, kinh nghiệm... để hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của tổ chức mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy văn hóa công vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.