(HNM) - Những năm gần đây, nhiều cơ quan, công sở được xây mới, trang bị phương tiện hiện đại và nhiều không gian xanh được tạo dựng như một phần không thể thiếu của văn hóa công sở. Tuy nhiên, để có môi trường làm việc thật sự văn minh, thân thiện, cần nhiều hơn thế. Trước hết là những công sở với giá trị văn hóa chuẩn mực, góp phần khơi nguồn, thúc đẩy năng lực sáng tạo và trách nhiệm công vụ ở mỗi cán bộ, công chức.
Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới thời gian qua cho thấy, môi trường công sở với những chuẩn mực văn hóa vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Đặc biệt trong bối cảnh “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở…”, rồi tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, hay những biểu hiện của lục đục nội bộ, tham nhũng vặt…
Phát biểu tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” ngày 19-5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không thể có một công sở có văn hóa, nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ còn tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương, thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến…”.
Theo Thủ tướng Chính phủ, “Môi trường công sở được ví như một xã hội thu nhỏ, ở đó hành xử có sự tương tác của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí tích cực và những giá trị tốt đẹp”.
Như vậy, môi trường công sở thực chất là một bộ phận hợp thành của môi trường xã hội, có tác động không nhỏ tới hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Ở đây, có tính hai mặt của một vấn đề. Nếu mỗi cán bộ, công chức nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm, hết mình trong từng vị trí công việc…, sẽ tạo nên môi trường làm việc lành mạnh và ngược lại, nếu vì động cơ vụ lợi, có những biểu hiện tiêu cực sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường công sở, chất lượng công việc, đạo đức công vụ...
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, văn hóa công sở xuất phát từ vai trò của chính công sở với đời sống xã hội. Xây dựng văn hóa công sở là xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, kỷ cương, trên tinh thần tôn trọng những nguyên tắc chung, đoàn kết, hợp tác vì sự phát triển. Những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, như: Cần, kiệm, liêm, chính… sẽ tạo nên giá trị của văn hóa công sở, cũng là nền tảng để xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho mỗi cá nhân phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo để phụng sự và cống hiến.
Khơi nguồn cảm hứng cho sáng tạo và cống hiến
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cùng với đam mê sáng tạo trong mỗi con người, yếu tố môi trường - môi trường công sở với những giá trị văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bệ đỡ, chất xúc tác phát huy sáng tạo, khai thác hiệu quả tối đa “chất xám” của mình.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Mỗi cán bộ, công chức là những con người có trái tim, có cảm xúc, có trí tuệ, có bản lĩnh, chứ không phải là những cỗ máy rô bốt, bàng quan, vô cảm. Do đó, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến”.
Để có môi trường công sở thấm đậm chất nhân văn, thể hiện ở mối quan hệ giữa mỗi cán bộ, công chức, giữa những công bộc của nhân dân với từng công việc cụ thể, trước hết phải có được bầu không khí lành mạnh. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, “bầu không khí” trong mỗi công sở có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của mỗi cá nhân cũng như hiệu quả hoạt động của cả cơ quan, đơn vị.
Nhân viên bộ phận “một cửa” UBND phường Giang Biên, quận Long Biên Dương Phê Đô cho biết: “Chấp hành giờ giấc; niềm nở, thân thiện với công dân; sẵn sàng hỗ trợ người dân soạn thảo, đánh máy văn bản, mang trả kết quả tại nhà khi người dân khó khăn về giờ giấc, đi lại; hỗ trợ phí dịch vụ với hộ nghèo hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo… là những việc làm được đánh giá cao của bộ phận “một cửa” của phường. Những điều này đều được hình thành từ chính môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, không khí làm việc dân chủ mà chúng tôi duy trì được lâu nay, góp phần thúc đẩy tình cảm, tinh thần trách nhiệm trong mỗi người”.
Từ câu chuyện ở bộ phận “một cửa” của phường Giang Biên, một trong 10 đơn vị vừa được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì những thành tích trong thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội cho thấy, không khí dân chủ, cởi mở chính là động lực khích lệ mỗi cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Ngược lại, nếu tồn tại mâu thuẫn, đố kỵ, bè phái hay những biểu hiện khuất tất, thiếu công bằng sẽ tạo ra không khí căng thẳng, nặng nề, làm thui chột sức sáng tạo, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm tư, tình cảm và hiệu quả công việc.
Do vậy, tạo dựng môi trường công sở giàu giá trị nhân văn, giá trị văn hóa là mục tiêu hướng tới cũng như trách nhiệm tự thân của mỗi thành viên trong cơ quan, đơn vị, mà trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Câu nói “lãnh đạo nào, phong trào nấy” phần nào cho thấy tầm quan trọng của người đứng đầu.
Người lãnh đạo có tầm nhìn xa, trông rộng, biết lắng nghe và thấu hiểu, có năng lực hoạch định và khả năng "truyền lửa", đánh giá đúng năng lực của cấp dưới và biết sử dụng người tài, có chính sách thưởng, phạt đúng người, đúng việc, kịp thời…, chắc chắn sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để mỗi cán bộ, công chức hết mình vì công việc và khơi dậy nhiệt huyết sáng tạo ở mỗi thành viên.
Trên hết, nếu mỗi cơ quan, công sở có một bầu không khí lành mạnh, thì những giá trị chuẩn mực văn hóa sẽ được phát huy, người có tâm, có tài, có lòng tự trọng sẽ thanh thản lao động, sáng tạo, cống hiến và thăng tiến.
Tựu trung lại có thể nói, môi trường công sở là một xã hội thu nhỏ mà ở đó văn hóa ứng xử, sự tương tác đồng điệu của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên những giá trị nhân văn sâu sắc. Kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả mang ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy cống hiến, sáng tạo. Đó cũng là nền tảng để nâng cao trách nhiệm công vụ, tinh thần chuyên nghiệp - yếu tố cốt lõi để xây dựng “chính quyền phục vụ”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.