(HNM) - 20 năm sau ngày được trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", hàng loạt các thành tố của đô thị thông minh, như: Cơ sở dữ liệu dân cư, dịch vụ công (hành chính, y tế, giáo dục...) trực tuyến, tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - iParking, truy xuất nguồn gốc thực phẩm - QR code... đã được triển khai trong thực tế, phục vụ hữu hiệu người dân, doanh nghiệp Thủ đô.
Cốt lõi là để phục vụ người dân
Với những người dân sống ở thành phố, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Bà Nguyễn An Trân (khu tập thể F2 Thái Hà - ngõ 171 Thái Hà, quận Đống Đa) cho biết: "Tôi lựa chọn vào siêu thị mua rau quả, thực phẩm cho bữa ăn vì tin tưởng các mặt hàng ở đây bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, hơn một năm trở lại đây, khi mua hàng, tôi thấy rất yên tâm, vì nhiều mặt hàng đã dán tem truy xuất nguồn gốc (mã QR code), giúp tôi và các khách hàng khác có thể kiểm tra được các thông tin cần thiết".
Để tạo sự yên tâm với các bà nội trợ là cả một quá trình. Theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE), khi triển khai hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc nông - lâm sản, thực phẩm Hà Nội đã nhận được sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, đơn vị chức năng của thành phố. Sau hơn một năm triển khai, hệ thống truy xuất này lưu giữ thông tin sản phẩm, hàng hóa của 268 doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn và 121 doanh nghiệp thuộc 35 tỉnh, thành phố; tương ứng với gần 5.500 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo đảm tiêu chí về an toàn thực phẩm (tại trang hn.check.net.vn). Thời gian tới, công nghệ này sẽ được phát triển và bàn giao cho các huyện, chợ đầu mối Minh Khai, Đền Lừ...
Nếu như ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp người dân yên tâm khi lựa chọn thực phẩm, thì việc ứng dụng công nghệ để đăng ký các dịch vụ công đã đem lại cho người dân nhiều sự thuận tiện. Chia sẻ về điều này, bà Trần Vân Anh (số 17, ngõ 1, đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) kể: "10 năm trước, tôi đi làm thủ tục cấp mới hộ chiếu phải mất nhiều thời gian, thì nay thủ tục rất nhanh gọn. Trưa ngày 2-7, tôi đăng ký đổi hộ chiếu qua mạng, sau đó 16h cùng ngày đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại 44 Phạm Ngọc Thạch để làm thủ tục. Tôi vừa vào phòng là được hướng dẫn ra chụp ảnh. Công đoạn này chỉ mất 2-3 phút. Khi tôi quay trở lại bàn hướng dẫn ban đầu, đã thấy cán bộ rút từ máy in đưa tờ giấy có ảnh chụp và đầy đủ thông tin cá nhân đã đăng ký qua mạng, đồng thời hướng dẫn tôi làm thủ tục tiếp theo. Mọi thứ rất chính xác cho thấy việc áp dụng các ứng dụng công nghệ thật tiện ích".
Việc những người dân như bà Trần Vân Anh không phải mất nhiều thời gian làm các thủ tục hành chính công, là nhờ thành phố đã tiên phong trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư. Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu của gần 8 triệu dân cư và khai thác có hiệu quả phục vụ khi triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của thành phố.
Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đã triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến đầu cấp vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến đạt cao. Ở lĩnh vực giao thông đô thị, Hà Nội đã đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị; thí điểm mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - iParking. Hà Nội cũng đã triển khai ứng dụng cấp hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho hơn 7,5 triệu công dân. Đặc biệt, đã cung cấp thông tin quan trắc môi trường cho người dân về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng...
Sẵn sàng triển khai thành phố thông minh
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và triển khai một số thành phần cơ bản. Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố thông minh phải bảo đảm được các định hướng. Đó là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; tăng cường việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; xây dựng xã hội thân thiện, văn minh.
Về nhiệm vụ cụ thể, để triển khai thành phố thông minh, cần có “Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội”. Hiện nay, thành phố giao cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai hạng mục này. Chia sẻ cụ thể về mô hình, ông Võ Anh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, Trung tâm Điều hành nói trên sẽ gồm 8 chức năng: Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; hỗ trợ cho cán bộ sử dụng công nghệ thông tin; quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; phân tích dữ liệu; hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; quản lý dịch vụ công; tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.
Đề cập về việc triển khai các hạng mục, ông Đặng Vũ Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh. “Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của y tế thông minh, giáo dục thông minh, môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh...” - ông Đặng Vũ Tuấn khẳng định.
Xây dựng thành phố thông minh không chỉ đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, mà còn giúp cơ quan công quyền quản lý nguồn lực một cách hiệu quả nhất, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Với sự quyết tâm của chính quyền thành phố và những định hướng, mục tiêu cụ thể như nêu trên, có thể tin rằng Hà Nội có đủ cơ sở để xây dựng thành phố thông minh bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.