Đô thị

Tháo “điểm nghẽn” xây dựng đô thị thông minh

Bảo Hân 11/03/2024 - 08:28

Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia nhấn mạnh, sự cộng hưởng của thông minh và bản sắc là tầm nhìn về phát triển đô thị trong vòng 2-3 thập kỷ tới. Tuy nhiên, quá trình chuyển mình của Thủ đô đang vướng nhiều “điểm nghẽn”, cần được khắc phục sớm để tạo động lực đột phá.

voi-tiem-nang-vuot-troi-ha.jpg
Với tiềm năng vượt trội, Hà Nội có cơ sở để trở thành một đô thị lớn thông minh, bản sắc trong chuỗi các đô thị và thủ đô lớn trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều trở lực cho định hướng phát triển

Phát triển theo hướng thông minh đang là xu hướng tất yếu đối với các đô thị. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, dù với tầm nhìn 30 năm hay dài hơn nữa, Hà Nội cần kiến tạo nền tảng và nhất quán thực hiện phát triển theo hướng đô thị thông minh từ ngay hôm nay.

Không chỉ là đô thị thông minh, việc tạo dựng, duy trì và khẳng định bản sắc cũng là yêu cầu mang tính khách quan. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu, yêu cầu này đặt ra cho công tác quy hoạch phát triển Thủ đô cần quan tâm tới sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng như sinh kế, sức khỏe, giáo dục, an toàn; bảo đảm môi trường sống tốt bao gồm không khí, nguồn nước, chất thải; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân đối với các vấn đề lớn của đô thị.

Tuy nhiên, từ thực trạng phát triển hiện nay, đối chiếu với những đặc trưng về phát triển đô thị thông minh và bản sắc, các chuyên gia chỉ ra nhiều "điểm nghẽn" mang tính tổng thể đang cản trở tiến trình phát triển của Thủ đô. Về trình độ phát triển nền tảng sản xuất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng, cấu trúc các hình thái dịch vụ của thành phố về cơ bản nằm trên vỉa hè và bám theo các cấu trúc hạ tầng giao thông thay vì trong hệ thống thông minh và tinh vi với chất lượng dịch vụ giá trị gia tăng cao, các trung tâm dịch vụ lớn và văn minh. Sự thuận tiện và trình độ phân công lao động chuyên môn sâu, giá trị gia tăng cao, dịch vụ khoa học công nghệ, tài chính, các trung tâm thương mại lớn, văn minh cùng những cấu trúc dịch vụ liên hoàn, dịch vụ liên kết, dịch vụ chuỗi chuyển tiếp chưa trở thành phổ biến trên địa bàn Thủ đô.

Đáng chú ý, nguồn lực số cho hình thái đô thị thông minh của Hà Nội thiếu tập trung và phần nhiều chưa có sự chắt lọc và xử lý liên thông một cách chính xác, thông suốt. Các dữ liệu cơ bản phục vụ cho việc phát triển giao thông, năng lượng, quản trị, phân bổ sản xuất, dịch vụ thông minh... về cơ bản ở trình độ sơ khai, phần nhiều chưa phản ánh đúng thực trạng do đầu vào dữ liệu dựa trên báo cáo bằng văn bản là chính.

Trong khi đó, nền tảng phát triển đô thị bản sắc cũng được chỉ ra còn mờ nhạt. Với đặc trưng văn hiến của mình, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước với nhiều tầng sâu bản sắc, song Hà Nội mới chỉ đang khai thác được một phần sơ giản các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể...

Tạo đột phá mới

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm, bản sắc Thủ đô không thể được tạo ra một cách duy ý chí trong một thời gian ngắn mà phải được hun đúc và nuôi dưỡng từ lịch sử của đô thị và từ văn hóa, lối sống của cư dân qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuấn Nghĩa, sự tham gia và gắn bó giữa người dân và các cấp chính quyền là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, đồng thời là giải pháp có ý nghĩa sâu sắc và bền vững trong thực hiện phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc. Cộng đồng doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn không thể đứng ngoài cuộc với sự dịch chuyển tư duy kết hợp tìm kiếm lợi ích với chăm lo trách nhiệm xã hội vì tương lai của Thủ đô. Đây là việc khó, song Hà Nội không thể không tác động và dựa vào sự nhập cuộc của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng cho rằng, để cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh việc huy động các cơ quan chuyên môn, các nhà làm chính sách, rất cần sự đồng thuận xã hội, trước hết là ý kiến của các nhà khoa học, những cộng đồng trực tiếp chịu tác động của chính sách, trong đó đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.

Với tiềm năng vượt trội so với nhiều đô thị khác, Hà Nội có cơ sở để trở thành một đô thị lớn thông minh, bản sắc trong chuỗi các đô thị và thủ đô lớn trên thế giới. Do đó, theo nhiều chuyên gia, các cấp chính quyền, với tư cách là hệ thống hạt nhân trong các chủ thể quản trị thành phố cần thông suốt và nhất quán tư duy định hướng về Thủ đô thông minh và bản sắc, coi đây là cách hữu hiệu để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Trên thực tế, muốn phát triển đô thị theo hướng thông minh, việc tạo dựng hệ thống thể chế đột phá mới không chỉ riêng Hà Nội có thể làm được, đòi hỏi sự vào cuộc của Trung ương và các bộ, ngành liên quan. Việc xem xét phối hợp nguồn lực của Hà Nội với nguồn lực của Trung ương và sử dụng các nguồn lực này trên địa bàn thành phố cần có thể chế đột phá. Thiếu cơ sở thể chế sẽ khó thúc đẩy đội ngũ quản trị Thủ đô dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo “điểm nghẽn” xây dựng đô thị thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.