Các khu công nghệ cao (CNC) phải hình thành đô thị thông minh trong không gian của mình như một môi trường đáng sống, đáng làm việc để thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc lâu dài.
Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại hội thảo "Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh ứng dụng tại các khu CNC" do Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) phối hợp Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng tổ chức chiều 28-7, tại Đà Nẵng.
Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, xây dựng thành phố thông minh hay quản lý đô thị thông minh là yêu cầu tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo để thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, đô thị thông minh. Trong đó, việc phát triển các khu CNC là một trong những nhiệm vụ đóng vai trò dẫn dắt. Với ý nghĩa này, Khu CNC Hòa Lạc là khu CNC đầu tiên của cả nước có vai trò tiên phong trong phát triển thành phố thông minh.
Đặt vấn đề tại hội thảo, đại diện Khu CNC Hòa Lạc cho hay, cả 3 khu CNC trên cả nước tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên chủ yếu tập trung khâu thu hút đầu tư và cơ sở hạ tầng sản xuất.
Trong đó, Khu CNC Hòa Lạc có khoảng 20.000 cán bộ, công nhân viên, nhà khoa học làm việc thường xuyên, đồng thời có khoảng 100 dự án được cấp phép đầu tư nên các hoạt động nội bộ tại các doanh nghiệp rất phát triển. Tuy nhiên, công tác triển khai hạ tầng xã hội cho số nhân sự nói trên ở lại và sinh hoạt chưa hoàn thiện. Do đó, các khu CNC phải hình thành đô thị thông minh như một môi trường đáng sống để thu hút nhân lực đến làm việc lâu dài.
Hiện, Hòa Lạc đang trong quá trình nghiên cứu để ban hành những đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh trên 2 giai đoạn. Trong đó, xây dựng đề án tổng thể và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tham gia cung cấp giải pháp ứng dụng thông minh trong quản lý, giám sát an ninh, môi trường, giao thông…
Cùng ý kiến, bà Trịnh Thị Thanh Trang, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu CNC Đà Nẵng cho rằng, các khu CNC cũng như chính quyền địa phương cần tăng cường “mở cửa”, tận dụng tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp startup. Bởi với sự sáng tạo, đổi mới vốn có, những startup sẽ đóng góp nguồn lực, công nghệ, ý tưởng của mình trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh, đồng sáng lập Alpha Asimov Robotics - startup trong lĩnh vực phương tiện giao hàng tự hành cho biết, các doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng tham gia vào các khu CNC có đầu tư xây dựng tiện ích như siêu thị, hàng quán, không gian ở đầy đủ tiện nghi… để từ đó có điều kiện xây dựng, phát triển sản phẩm tốt hơn.
Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho rằng, cần nghiên cứu mô hình cơ chế thí điểm để dần hình thành và thúc đẩy ý tưởng về các khu thương mại tự do kết hợp đổi mới sáng tạo trên nền tảng hạ tầng sẵn có của các khu CNC, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu vực khác.
Đây là điều phải được nhìn thấy và đặt ra ngay từ bây giờ dù chỉ là ý tưởng. Đây cũng là mô hình đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng và triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.