Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ tại nhà: Người bị bệnh gout nên ăn gì?

01/08/2021 05:09

(HNMCT) - Hỏi: Tôi bị bệnh gout, thời gian gần đây tần suất cơn đau gia tăng. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi về chế độ dinh dưỡng hợp lý được không? Nguyễn Văn Định (đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Đáp: Các cơn gout thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3 - 10 ngày. Có tình trạng này là do 3 nguyên nhân thường gặp sau: Do tăng sản xuất acid uric nội sinh; do giảm đào thải acid uric ở thận; ăn quá nhiều thực phẩm nhiều purin như các loại thịt đỏ và thủy hải sản.

Việc ăn uống tùy tiện khiến bệnh gout tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường. Do đó bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, duy trì chế độ luyện tập đều đặn thì cũng cần có một thực đơn hợp lý để việc điều trị bệnh đạt kết quả tốt hơn.

Người bệnh không nên ăn gan, thận, óc, lòng, thịt đỏ, thịt cừu, hạn chế thịt lợn và các loại hải sản, đặc biệt là loại có vỏ như tôm, cua, trai.

Ngoài ra nên tránh các loại rau có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng... vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu; tránh các sản phẩm có hàm lượng đường cao như soda và một số loại nước trái cây, kem, kẹo và đồ ăn nhanh. Tránh uống rượu, các thuốc lợi tiểu, corticoid. Tránh ăn bánh ngọt và bánh quy vì chúng có thể làm tăng nồng độ acid uric.

Người bệnh nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo, chẳng hạn như sữa chua và sữa tách béo; nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C như dâu tây, dứa...; các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc; khoai tây, cơm, bánh mỳ và mỳ ống; trứng (vừa phải); cá, thịt gà, và thịt đỏ với lượng vừa phải. Ngoài ra, bác nên ăn nhiều rau xanh. Súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng cho người bệnh gout. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí... vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Nên uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng... Bổ sung thêm vitamin C mỗi ngày cũng có thể giúp giảm acid uric.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tại nhà: Người bị bệnh gout nên ăn gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.