Hỏi: Con tôi 17 tuổi nhưng da cháu xuất hiện nhiều mụn ẩn. Phải chăng nguyên nhân là do cháu thường xuyên thức khuya? Xin hỏi bác sĩ làm sao để con tôi có thể trị mụn ẩn và thay đổi cách sinh hoạt? Nguyễn Thu Linh (quận Hà Đông, Hà Nội)
Đáp: Với mô tả như trên là cháu đang bị mụn trứng cá. Đây là một bệnh lý tuyến bã thường liên quan đến tuổi dậy thì, trong đó chế độ ăn và sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến việc xuất hiện mụn. Mụn trứng cá không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng do tiến triển dai dẳng, xảy ra chủ yếu ở tuổi thanh, thiếu niên, người trẻ, vị trí tổn thương thường ở mặt nên làm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, tâm lý. Để giảm thiểu triệu chứng này, những người trẻ cần chú ý những điều như sau: Hạn chế những thức ăn béo, ngọt (đường, sữa, bơ); các chất kích thích (trà, cà phê, tiêu, ớt); rửa sạch mặt bằng sữa rửa mặt cho da nhờn mỗi ngày vào buổi sáng và tối; không dùng mỹ phẩm (phấn nền); không nặn mụn; tránh thức khuya...
Thức khuya gây tác hại dễ thấy nhất, đặc biệt là với người đang bị mụn trứng cá. Tình trạng này là do khi thức khuya, nội tiết tố sẽ bị rối loạn, tuyến thượng thận tiết ra nhiều cortisol khiến cho làn da dễ nổi mụn nhiều hơn.
Ngoài ra, khi thức khuya thường xuyên sẽ làm cho làn da ngày một kém sắc, do hắc sắc tố melanin hình thành nhanh và nhiều hơn khiến da đen, xỉn màu. Khi melanin tích tụ tại một điểm trên da, dần hình thành tàn nhang, nám...
Bên cạnh đó, việc thức khuya thường xuyên sẽ dẫn đến rối loạn hệ tuần hoàn. Quá trình trao đổi chất diễn ra bất bình thường khiến cho da bị khô, sắc da nhợt nhạt... Các bệnh lý ngoài da như viêm da tiết bã, viêm nang lông, viêm da cơ địa... dễ bị tái phát hơn.
Nếu đã thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt mà mụn trứng cá vẫn không giảm thì cháu nên đi khám tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn về cách chăm sóc da, cũng như dùng thêm thuốc phù hợp.
TS.BS Vũ Thái Hà
Bệnh viện Da liễu Trung ương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.