Làm việc cùng với cấp trên nóng tính đôi lúc bạn sẽ không thể tránh khỏi những cảm giác khó chịu, thậm chí “tủi hờn” khi vô cớ bị mắng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì thế chán nản, hãy học cách “dung hòa” để có thể làm việc hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm Careerlink.vn cho biết để việc hiệu quả cùng với cấp trên nóng tính không khó, chỉ cần một chút cảm thông, thấu hiểu và khéo léo bạn hoàn toàn có thể “hòa hợp” và trở thành người cộng sự đắc lực.
Thông tin tìm việc làm mới nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ha-noi/HN
1.Mọi công việc đều nên thông qua ý kiến của sếp trước
Trong công việc sẽ có những lúc phát sinh vấn đề ngoài dự định, trong trường hợp này bạn nên thông qua ý kiến của lãnh đạo trước khi thực hiện, đặc biệt là đối với những người có tính cách “trương phi”. Bởi đôi khi dưới góc nhìn của bạn có thể điều đó là bình thường, nhưng với cấp trên nóng tính có thể trở thành một vấn đề lớn là bạn đang vượt quyền, thiếu tôn trọng…
Cách thông qua các nhà quản lý cũng cần tế nhị, tùy vào từng trường hợp mà bạn lựa chọn cách thức phù hợp nhất. Ví dụ: Có thể gọi điện xin ý kiến khi đó là tình huống cần xử lý gấp hoặc gửi email thông báo về những việc bạn sẽ chuẩn bị triển khai trong thời gian tới.
Những công việc này tuy đơn giản nhưng cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong việc “ghi điểm” với vị sếp thẳng tính và nghiêm nghị.
2.Khi trình bày công việc cần ngắn gọn
Ngoài thông qua ý kiến của người sếp nóng tính trước khi bắt đầu các công việc bạn cũng cần chú ý trình bày các vấn đề một cách ngắn gọn. Bởi quỹ thời gian của những người đứng đầu không nhiều, họ luôn mong muốn mọi chuyện được giải quyết một cách nhanh nhất. Vì thế khi trình bày công việc, thuyết trình đề tài, dự án…bạn nên trình bày một cách ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm để dễ dàng nhận được sự đồng thuận của sếp. Hơn thế nữa, việc trình bày vấn đề cô đọng, súc tích cũng sẽ giúp mọi người dễ dàng nắm bắt những nội dung chính mà bạn muốn truyền tải, giúp đề tài có sức thuyết phục hơn và được đánh giá cao.
3.Khéo léo đưa ra quan điểm trái chiều
Trong công việc sẽ khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, vì vậy bạn cần “nhẹ nhàng” khi đưa ra các quan điểm trái chiều với sếp. Thay vì trực diện thể hiện sự không đồng tình bạn hãy khéo léo và gián tiếp nêu ý kiến của mình để tránh làm “mất lòng”. Bởi như đã trình bày ở trên người nóng tính là người có cái tôi và sĩ diện cao. Ví dụ: Bạn có thể nói quan điểm của sếp cũng rất hay nhưng bạn thấy ý kiến A này cũng mang đến rất nhiều lợi ích, sếp nên xem xét thêm. Bạn có thể khéo léo lồng ghép quan điểm của mình và nêu bật lợi ích của phương án mình đưa ra, tuyệt đối đừng “phủ định” hoàn toàn ý kiến của cấp trên.
4.Kiên nhẫn lắng nghe
Bên cạnh sự cẩn trọng trong công việc, khéo léo trong cách trình bày, khi làm việc cùng cấp trên nóng tính bạn cũng cần học cách kiên nhẫn lắng nghe, nhất là khi họ đang nóng giận. Bạn nên đặt mình vào vị trí của sếp để cảm thông với những áp lực và có thể “lắng nghe” ngay cả khi biết anh/cô ấy không đúng. Hãy kiên nhẫn lắng nghe và tuyệt đối đừng ngắt lời, bởi lúc này khi cơn “bốc hỏa” đang lên cao thì những lời giải thích của bạn hoàn toàn không có tác dụng, thậm chí còn làm nảy sinh mâu thuẫn, khiến cấp trên nghĩ rằng bạn đang “chống đối”. Nên cho cấp trên thời gian để bình tâm, khi họ đã “hạ hỏa” bạn mới nên giải thích tường tận để luôn giữ được mối quan hệ tốt đẹp.
5.Luôn chuẩn bị tốt các công việc được yêu cầu
Để làm việc tốt với cấp trên nóng tính ngoài sự khéo léo trong giao tiếp và góp ý bạn cũng nên chú ý chuẩn bị tốt các công việc mà sếp yêu cầu. Chuẩn bị tốt công việc đúng yêu cầu về thời gian, đúng như lời “dặn dò” không chỉ giúp bạn hạn chế được nguy cơ phải đối mặt với những cơn nóng giận của cấp trên mà còn giúp bạn ghi điểm và mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc.
Làm việc với sếp nóng tính đôi lúc sẽ rất khó chịu, bực bội nhưng nếu tinh ý và khéo léo bạn hoàn toàn có thể làm việc hiệu quả, được trọng dụng và mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Chúc bạn thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.