(HNM) - Mục tiêu sâu xa của cuộc vận động (CVĐ)
Khách hàng chọn mua quần áo tại cửa hàng Made in Vietnam. Ảnh: Đàm Duy |
Chưa bao giờ nhận thức của cộng đồng về dùng hàng Việt lại sâu rộng như thời gian qua. Trên thị trường hàng hóa nội địa đã dồi dào, phong phú, dần khẳng định được thương hiệu với lợi thế giá cả, chất lượng ổn định, mẫu mã phong phú. Các DN đã tiếp cận, nắm bắt nhu cầu thị trường từng vùng, từng nhóm dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn về giao thông; đồng thời triển khai vận chuyển hàng hóa, mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ... Hàng trăm lượt DN đưa hàng về nông thôn, doanh số bán hàng đều vượt ngoài dự kiến. Số DN có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng lên. Nếu năm 2008 có 485 DN được bầu chọn thì nay lên đến 716. Thị hiếu người tiêu dùng (NTD) có sự thay đổi đáng kể khi quan tâm lựa chọn hàng sản xuất trong nước.
Để người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì trước hết họ phải thực sự yên tâm khi nhìn thấy dòng chữ "Made in Vietnam" và xem đây là một giá trị bảo đảm của sản phẩm. Khi DN sử dụng những dòng chữ "Made in Vietnam" là để quảng bá cho sản phẩm, thì đồng thời đã thỏa mãn cả hai yêu cầu: khẳng định chất lượng hàng hóa của người Việt sản xuất và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" là nhiệm vụ của cả quốc gia, DN và hiệp hội ngành nghề chứ không chỉ riêng của DN. Các nước có thương hiệu mạnh đều có cả một chiến lược dài hơi cho quá trình xây dựng sản phẩm thương hiệu toàn cầu dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ, có luật bảo vệ thương hiệu, chương trình quảng bá và ý thức của DN trong việc xây dựng chất lượng sản phẩm.
Câu chuyện Samsung là một ví dụ về việc DN và chính phủ đã "bắt tay" như thế nào vì một thương hiệu "Made in Korea". Năm 2007, hãng điện tử Samsung đã tự hào nhận danh hiệu hãng điện tử lớn nhất thế giới, danh hiệu mà hãng Sony đã nắm giữ gần 20 năm. Đó là kết quả của nỗ lực dành đến 9 tỷ USD cho công việc nghiên cứu, ứng dụng và 7 tỷ USD mỗi năm cho marketing. Nhưng trên hết, đó là nỗ lực thực hiện cam kết giữa DN và chính phủ để chung tay xây dựng một thương hiệu "Made in Korea".
Về phía DN, không phải toàn bộ doanh thu là sản phẩm sản xuất tại Hàn Quốc, mà có thể sản xuất tại Việt Nam, Đức hay Mỹ… Nhưng DN không đề nhãn "Sản xuất tại Đức" hay "Sản xuất tại Mỹ". Họ đề ngắn gọn "Sản xuất bởi Samsung". Đồng thời, họ cố gắng để khách hàng khi nhìn thấy chữ Samsung là liên tưởng ngay đến Hàn Quốc. Những nỗ lực từ phía chính phủ là ngăn chặn hàng kém chất lượng. Cam kết của chính phủ với DN là không để NTD thế giới phải than phiền về một sản phẩm mang thương hiệu của mình.
Hay như Singapore, trong một thời gian không dài, đã tạo dựng thành công hình ảnh về một quốc gia trẻ, năng động, hiện đại, văn minh; đồng thời, khẳng định "Một đất nước lớn hay nhỏ không phải do diện tích rộng hay hẹp, càng không phải do nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà do tinh thần của con người đang muốn xây dựng nên đất nước đó".
Như vậy, vấn đề ở đây chính là cần có chiến lược dài hạn với quy mô rộng để xây dựng quảng bá thương hiệu quốc gia "Made in Vietnam". Các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu quản lý tốt thị trường, tránh tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái tràn lan; có quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn để kiểm soát những mặt hàng nhập khẩu kém chất lượng hoặc giá rẻ bất hợp lý. Về phía DN, cần có mục tiêu dài hạn, kiên trì trong việc xây dựng và xác lập các giá trị thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, bằng những chính sách phát triển thị trường bền bỉ và kiên trì. Uy tín, hình ảnh của từng thương hiệu sẽ góp phần tạo nên một thương hiệu quốc gia. Và uy tín của một đất nước sẽ làm tăng sức mạnh của một thương hiệu, một DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.