(HNM) - 89 nhà máy điện mặt trời đã hòa lưới với tổng công suất trên 4.442MW là tín hiệu vui trong công tác bảo đảm an ninh năng lượng. Thế nhưng điều này cũng gây áp lực không nhỏ cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia. Để phát huy hiệu quả nguồn điện này, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực nâng cấp hệ thống truyền tải và xây dựng kịch bản giá mua điện mới.
Theo ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn EVN, chỉ trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6-2019) đã có 88 nhà máy điện mặt trời mới đủ điều kiện vận hành theo quy định. Đến nay Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã đóng điện tổng số 89 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất lên tới hơn 4.442MW.
Điều đáng nói là các nhà máy tập trung mật độ lớn tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải. Nhiều thời điểm, do các nhà máy điện cùng phát đồng loạt dẫn đến đường dây và trạm biến áp liên quan bị quá tải. Để bảo đảm vận hành an toàn lưới điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và EVN phải phân bổ công suất phát các nhà máy phù hợp với khả năng truyền tải tối đa của lưới điện, trong đó có những cụm nhà máy phải hạn chế sản lượng phát tới 32-34%.
Theo Quyết định số 11/2017/ QĐ-TTg, ngày 11-4-2017, của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 30-6-2019, sẽ áp dụng mức giá mua điện là 9,35 cent (2.086 đồng)/kWh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ và EVN phối hợp với các chuyên gia và các nhà khoa học, chính quyền các địa phương đề xuất kịch bản tổng thể cho điện mặt trời, trong đó có giá mua điện thời điểm sau ngày 30-6-2019. Hiện Bộ Công Thương đã trình 2 phương án giá mua điện mặt trời chia theo 4 vùng và 2 vùng. Cụ thể, vùng có bức xạ cao (Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk...) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh. Các tỉnh phía Bắc, khu vực được đánh giá là ít tiềm năng cho điện mặt trời có mức giá cao nhất 2.102 đồng/kWh. Mỗi kWh điện mặt trời vùng 2 là 1.809 đồng/ kWh; vùng 3 giá 1.620 đồng/kWh.
Sau đó, trên cơ sở góp ý, yêu cầu từ lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương phân chia lại giá điện mặt trời theo 2 vùng. Vùng 1 gồm 6 tỉnh có bức xạ nhiệt cao (Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Phú Yên...) và vùng 2 là các tỉnh còn lại. Giá điện mặt trời theo cách phân 2 vùng lần lượt là 1.916 đồng/kWh và 1.758 đồng/kWh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc phân chia này nhằm giãn sự đổ bộ của các dự án điện mặt trời vào các khu vực điểm nóng, tránh lặp lại chuyện quá tải lưới, giảm tải công suất điện mặt trời như vừa qua. Ngày 31-7, Bộ đã báo cáo Thường trực Chính phủ và Bộ đang chỉnh sửa các phương án, đến ngày 15-9-2019 sẽ trình lại Chính phủ để xin ý kiến hoàn thiện và đưa vào áp dụng trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn đã làm việc với các chủ đầu tư và các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho những dự án truyền tải điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện tái tạo (trong đó có điện mặt trời) đang vận hành. Trước mắt, một số công trình trọng điểm đang được EVN đẩy mạnh đầu tư như đường dây 110KV Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí mạch 2; Trạm biến áp 220KV Phan Rí và đấu nối Trạm biến áp 220KV Hàm Tân, Trạm biến áp 220KV Cam Ranh, nâng công suất Trạm biến áp 220KV Tháp Chàm lên 2x250MVA. Về dài hạn, EVN sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải mới…
Với những bước đi tích cực và đồng bộ, bài toán điện mặt trời đã và đang có lời giải cụ thể, qua đó góp phần tăng nguồn cung, bảo đảm sự ổn định của an ninh năng lượng quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.