Kinh tế

Ngành da giày đối mặt hàng loạt yêu cầu mới từ thị trường nhập khẩu

Lam Giang 25/04/2024 - 20:58

Mặc dù đạt kết quả tăng trưởng trong quý đầu năm, song ngành da giày vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nút thắt lớn nhất là chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, đồng thời các quốc gia nhập khẩu lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về trách nhiệm xã hội và môi trường.

25.4-da-giay-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm khu trưng bày mẫu và nguyên phụ liệu sản xuất túi xách - Nhà máy túi xách TBS. Ảnh: Đỗ Dũng

Thông tin được Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân nêu tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, ngày 25-4.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 24 tỷ USD; quý I-2024 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 5 thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dù vậy, ngành đang đối diện nhiều thách thức mà nút thắt lớn nhất là chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, đồng thời các quốc gia nhập khẩu giầy dép lớn đưa ra hàng loạt các yêu cầu mới về trách nhiệm xã hội và môi trường.

Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3-2024, đặt ra các yêu cầu mới về bảo đảm sinh thái, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, một số tồn tại của ngành, như việc nghiên cứu sáng tạo chưa cao; chưa tự chủ nguyên liệu.

Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn gia công, giá trị gia tăng thấp, chưa đủ thế và lực để tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Mức độ tự động hóa, chuyển đổi số, phát triển theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao…

Để ngành da giày tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, doanh nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng chiến lược, chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường, xu hướng xuất khẩu xanh, tận dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Hiệp hội cảnh báo, phổ biến thông tin, hướng dẫn kịp thời để doanh nghiệp chủ động trước các quy định mới từ thị trường.

Hiệp hội phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu da giày ứng phó có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại mới của thị trường…

Bộ Công Thương sẽ xem xét kiến nghị thành lập Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương; xem xét sửa đổi bổ sung quy định về xuất, nhập khẩu tại chỗ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành da giày đối mặt hàng loạt yêu cầu mới từ thị trường nhập khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.