Kinh tế

Điện mặt trời - tiềm năng lớn

Thu Hà 17/09/2023 - 16:51

Với bài toán kinh tế, chỉ cần đầu tư mua máy móc, thiết bị một lần sẽ được sử dụng điện miễn phí trong thời gian dài, ngày càng có nhiều gia đình ở Thủ đô lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi việc sử dụng điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng sử dụng điện cho Nhà nước một cách hiệu quả.

evn1.jpg
Sử dụng điện mặt trời giúp tiết kiệm được chi phí, hơn nữa còn giảm gánh nặng sử dụng điện cho Nhà nước một cách hiệu quả.

Thị trường ngày càng lớn

Là người có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực điện mặt trời, anh Tống Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Điện mặt trời Solar TH (có trụ sở tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy) cho biết: Thị trường thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời ngày càng đa dạng, phong phú. Ngoài những thiết bị cho hệ thống điện mặt trời như tấm pin, inverter, pin lưu trữ... thì còn có các thiết bị quạt tích điện năng lượng mặt trời, máy bơm nước năng lượng mặt trời, đèn năng lượng mặt trời...

"Khách hàng của chúng tôi khá đa dạng, chủ yếu là những hộ kinh doanh, đại diện tòa nhà văn phòng, siêu thị... Họ thường có nhu cầu lắp thiết bị có công suất khoảng 5 KWp có pin lưu trữ với giá thành từ 100 đến 120 triệu đồng tùy vào thiết bị lắp đặt. Theo tính toán thì những hộ dân lắp đặt thiết bị điện mặt trời sẽ giảm được từ 50 - 70% số tiền điện mỗi tháng" - anh Thắng chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, gia đình anh Ngô Tuấn Minh (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Anh Tuấn Minh cho biết, trước khi lắp hệ thống điện mặt trời, tiền điện bình quân mỗi tháng của gia đình là hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có sự hỗ trợ của điện mặt trời, tiền điện giảm còn 600 - 700 nghìn đồng/tháng. Tương tự, ông Đào Thành Đô (thị trấn Đông Anh) cũng đã đầu tư 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho xưởng sản xuất tấm tôn, nhờ đó tiết kiệm được từ 2 đến 3 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Theo tính toán của ông Đô, ước tính gia đình sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 3 năm.

Thay vì dùng nguồn điện truyền thống, nhiều chung cư tại Hà Nội cũng đã sử dụng điện mặt trời cho các thiết bị ở không gian chung. Khu đô thị Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hoạt động của đài phun nước. Hay ở chung cư 19T1 Khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông) cũng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời thắp sáng các bóng đèn tại sân chung cư, hành lang, hầm để xe.

Theo chị Đoàn Thị Hoa, một cư dân sống ở chung cư 19T1, nhu cầu sử dụng điện ở khu chung cư là rất lớn, vì vậy, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời sẽ giúp giảm được lượng điện lớn từ công ty điện lực. "Khu chung cư 19T1 nằm xa trung tâm, thông thoáng nên rất thích hợp để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Điều tôi đặc biệt ấn tượng trong việc sử dụng điện năng lượng mặt trời là không gây ảnh hưởng tới môi trường" - chị Hoa chia sẻ.

evn1a.jpg

Tiềm năng rất lớn

Thầy giáo Lê Xuân Thê, nguyên giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích: Nguồn năng lượng mặt trời có ưu điểm là tính bền vững và tái tạo, có sẵn ở mọi nơi và không gây ô nhiễm môi trường. "Giá điện trong khu vực dân cư đã liên tục tăng trong vài năm qua, như vậy, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ giúp mỗi người thoát khỏi nỗi lo giá điện tăng cao trong tương lai. Điện mặt trời không yêu cầu bất kỳ nguồn cung bên ngoài nào để nó hoạt động, do đó, chi phí sản xuất năng lượng và bảo trì của nó thực tế bằng không. Chi phí duy nhất liên quan đến việc sử dụng năng lượng mặt trời là sản xuất và lắp đặt các thành phần. Các tấm pin có thể kéo dài đến 30 năm ngay cả khi thỉnh thoảng tiếp xúc với điều kiện thời tiết xấu" - thầy Lê Xuân Thê nhấn mạnh.

Là đồng tác giả của công trình nghiên cứu "Đánh giá tiềm năng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam", kỹ sư Vũ Tuyết Chi (giảng viên khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực) khẳng định, tại Việt Nam, tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn. "Kết quả đo đạc bức xạ mặt trời, tổng xạ mặt trời của Việt Nam dao động từ 2,8 kWh/m2/ngày đến 5,8 kWh/m2/ngày. Điều đó cho thấy, việc phát triển các dự án điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời trên mái nhà là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và được coi là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm áp lực về nguồn cung cho ngành Điện. Với các chính sách phát triển hợp lý, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời sẽ mang lại hiệu quả cao cho các nhà đầu tư, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia" - kỹ sư Vũ Tuyết Chi nhấn mạnh.

Cũng theo kỹ sư Vũ Tuyết Chi, dùng điện năng lượng mặt trời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các hộ gia đình khi lắp đặt mà còn mang lại lợi ích xã hội như là góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các thông tin kỹ thuật liên quan đến hệ thống như là tuổi thọ, chi phí, mức độ phức tạp cũng được mọi người quan tâm. Điều này cho thấy, các công ty cung cấp thiết bị và dịch vụ lắp đặt cần cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn chi tiết khi khách hàng có nhu cầu lắp đặt.

Khẳng định xu hướng sử dụng điện mặt trời là tất yếu, tuy nhiên Thạc sĩ Đỗ Đức Việt, Phó Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội, cho rằng: Việc phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Hà Nội trong những năm tới còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Việt, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại khi lắp đặt điện mặt trời vì phải đầu tư trả trước cao, từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu, bao gồm các tấm pin, biến tần, pin lưu trữ (nếu cần), dây cáp và chi phí lắp đặt...

Hơn nữa, độ che phủ mặt trời không ổn định là một trong những nhược điểm khi sử dụng năng lượng mặt trời. Chưa kể, hệ thống này còn phụ thuộc vào cường độ mặt trời thay đổi trong ngày, trong tuần, theo mùa và vị trí. Các hiện tượng tự nhiên như mây dày, tán lá ảnh hưởng đáng kể đến lượng điện do tấm pin tạo ra...

Thêm vào đó, "Hà Nội vẫn được tiếng là "đất chật, người đông", một tấm pin đòi hỏi một lượng không gian đáng kể để sản xuất điện, điều này khiến những hộ gia đình có diện tích nhỏ hoặc các khu vực có không gian hạn chế gặp khó khăn trong việc sử dụng điện mặt trời" - Thạc sĩ Đỗ Đức Việt lưu ý.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết ngày 31-6-2023, trên địa bàn thành phố có 2.091 khách hàng đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt hơn 33,56 MWp. Thực tế cho thấy, gần đây, điện mặt trời mái nhà phát triển sôi động tại Hà Nội, nguyên nhân là chi phí đầu tư đã giảm đáng kể do EVNHANOI đã ký kết hợp tác phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả điện mặt trời với một số đối tác, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 18/11/2020 về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 1% trong tổng cung năng lượng sơ cấp, trong đó, tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 100 MWp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện mặt trời - tiềm năng lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.