(HNM) - Năm 2005, một số cơ quan thuộc Lực lượng Hải quan và nhập cảnh Mỹ (ICE), đơn vị trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ thiết lập một công ty mang tên Tập đoàn toàn cầu Sao thủy (MGE).
Không lâu sau, một công ty liên quan đến Tappin liên hệ với MGE với yêu cầu mua thiết bị giám sát. Tiếp theo, công ty này hỏi về việc xuất khẩu những thiết bị quân đội khác của Mỹ mà không có giấy phép. Ngay trước khi bị bắt vì tìm cách mua ắc quy oxit bạc và kẽm (gọi là ắc quy bạc) để nạp điện tên lửa đất đối không Hawk cho một khách hàng tại Iran, triệu phú Tappin được biết đến như một nhà xuất khẩu danh tiếng.
Nhà chức trách liên bang Mỹ cáo buộc doanh nhân người Anh Christopher Tappin đã mua 50 linh kiện như vậy trong thời gian từ tháng 12-2005 đến tháng 1-2007. Những sản phẩm cấm này theo đơn đặt hàng được trung chuyển qua Hà Lan để xuất khẩu từ Mỹ tới Iran. Theo quan chức Mỹ, vào tháng 1-1985, 18 tên lửa Hawk đã được đưa tới Iran trong thời kỳ cựu Tổng thống Reagan nắm quyền. Tuy nhiên, triệu phú Tappin vẫn khăng khăng cho rằng là một nhà xuất khẩu, ông luôn nghĩ là đang mua ắc quy xe hơi. Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định linh kiện này sẽ được xuất sang Iran mà không được sự cho phép của Chính phủ Mỹ. Lệnh bắt giữ thương nhân 66 tuổi lần đầu tiên được đưa ra tại Texas năm 2007. Vào tháng 1-2012, Tappin đã thua trong lần kháng cáo cuối cùng để không bị dẫn độ sang Mỹ.
"Tôi không phải là khủng bố và cũng không có bất kỳ mối quan hệ nào với các phần tử khủng bố. Tôi không biết ắc quy này được sử dụng trong tên lửa Hawk cũng như việc chúng sẽ lên đường sang Iran", doanh nhân người Anh cho biết. Nhưng, người hợp tác với Tappin trong phi vụ hàng cấm này là Robert Frederick Gibson, cũng là một công dân Anh lại đưa ra những lời khai khác. Gibson đã nhận tội năm 2007 và bị kết án 24 tháng tù giam; đồng thời đã trao cho cảnh sát 16.000 tệp tin khẳng định rằng thương gia Tappin đã có quan hệ thương mại từ lâu với Iran. Một cộng sự khác là Robert Thomas Caldwell, người Mỹ, cũng đã bị xét xử tại tòa án năm 2007 để nhận bản án 20 tháng tù. Tuy nhiên, đến tận tháng 2-2012, vị doanh nhân giàu có người Anh mới bị bắt tại sân bay Heathrow của London. Lập tức, Tappin được trao cho nhà chức trách Mỹ và bị dẫn độ sang bang Texas, giam giữ cách biệt tại nhà tù Otero. Hiện cố vấn pháp luật của triệu phú này từng tin rằng những khó khăn trong việc đưa nhân chứng từ Anh sang làm chứng tại Mỹ cũng như nhiều vấn đề liên quan đến quốc phòng khác thì Tappin sẽ được hưởng lợi trong thỏa thuận với các công tố viên Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.