Đánh lận giữa các trang bị, mã động cơ, có option nhưng khai là không… các nhà nhập khẩu xe từ chính hãng tới không chính hãng có thể ăn gian tiền thuế khi giảm giá trị tính thuế của xe cả cũ lẫn mới từ vài trăm tới cả chục nghìn USD.
Giá xe được khai thấp để gian lận thuế như thế nào?
Sau khi báo chí phản ánh việc xe nhập: độc quyền + gian lận = siêu lợi nhuận, một số người kinh doanh lâu năm trong ngành nhập khẩu xe đã bật mí thêm về các thủ đoạn tinh vi nhằm đẩy giá xe lên cao trong khi gian lận thuế để tăng lợi nhuận.
Trước đây, thủ thuật gian lận thuế phổ biến nhất là khai giá thấp khi thông quan và viết hóa đơn giá thấp sau khi thông quan (hóa đơn bán cho người tiêu dùng). Để làm được điều này, nhà phân phối chính hãng cũng như không chính hãng có thể thực hiện bằng cách thông qua một nhà phân phối - đại lý trung gian tại nước ngoài. Chẳng hạn nếu giá xe xuất từ nhà máy là 15.000USD, thông qua 1-2 cầu trung gian, hóa đơn bán xe khi nhập về Việt Nam có thể phù phép xuống còn 12.000USD. Nhà phân phối trung gian ở nước ngoài có thể có quan hệ ngầm hoặc quan hệ trực tiếp (dạng mẹ con) với nhà nhập khẩu Việt Nam.
Bằng việc này, giá xe khi thông quan với hóa đơn sau khi phù phép sẽ thấp hơn vài nghìn tới vài chục nghìn USD và nhờ đó, tiền thuế phải nộp cũng thấp hơn. Từ điều này, hóa đơn bán xe cũng có thể được ghi thấp hơn trong khi chi phí thực trả của khách hàng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng sẽ không phản đối bởi hóa đơn thấp đồng nghĩa với phí trước bạ thấp và vô hình trung khách hàng bắt tay với nhà phân phối để gian lận thuế, phí đồng thời chấp nhận giá bán thực cao hơn vì nghĩ nó tương xứng với giá trị thực của xe.
Để chống lại điều này, lực lượng chức năng đã đưa ra bảng giá tính thuế để ngăn chặn việc khai giá xe thấp đồng thời khi tiến hành điều tra, cơ quan thuế có thể kiểm tra ngược giá xuất từ nhà máy và tiến hành truy thu thuế nếu thấy mức giá xuất từ nhà máy chênh nhiều với giá bán từ đại lý, nhà phân phối nước ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng có thể kiểm tra mức chênh lệch giữa tiền thanh toán của khách hàng với hóa đơn bán xe.
Theo thông tin từ hải quan, một số nhà phân phối xe nhập khẩu chính hãng và không chính hãng đang bị soi giá xuất từ nhà máy và có nguy cơ bị truy thu thuế hàng trăm tỉ đồng do giá chênh lệch. Cũng theo nguồn tin hải quan, tới nay mới có duy nhất Audi chứng minh được sự trong sạch về vấn đề này khi cung cấp giá xuất nhà máy khớp với giá nhập tại Việt Nam và chứng minh được quan hệ giữa đơn vị nhập khẩu chính hãng và nhà sản xuất.
Các chiêu đánh lận trang bị
Sau khi những thủ đoạn khai giá thấp trước và sau khi thông quan gặp khó, những chiêu trò tinh vi hơn được áp dụng. Với một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là xe sang, nhà sản xuất sẽ tính giá thành 2 phần giá xe tiêu chuẩn (giá xe và các trang bị tiêu chuẩn) và phần giá trang bị thêm (option thêm vào xe) và với một số dòng xe sang chi phí cho phần trang bị thêm có thể cao ngang hoặc thậm chí cao ngang bằng giá xe tiêu chuẩn. Và nhà phân phối có thể “làm phép” với phần giá cho trang bị thêm bằng một số chiêu trò tinh vi, khó phát hiện.
Trên thực tế, nhà phân phối chính hãng cũng như không chính hãng có thể lờ đi không khai báo các trang bị “ẩn” để qua mặt hải quan và giảm giá trị tính thuế. Chẳng hạn trên một số dòng xe BMW, Lexus tại Việt Nam có trang bị HUD (Head-up Display) - công nghệ hiển thị thông tin trên kính chắn gió và trang bị này có thể bị tính tiền thêm cho khách hàng trong khi nhà phân phối có thể lách thuế khi khai xe bản tiêu chuẩn không trang bị HUD. Việc này sẽ khó bị phát hiện bởi trang bị này chỉ được kích hoạt khi nổ máy xe trong giá CIF chênh lệch của trang bị này có thể dao động từ 300 - 2.000USD. Tương tự một số phần mềm như hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống lùi xe tự động hay cảnh báo làn đường có thể bị giấu đi không khai báo trị giá khi thông quan để lách thuế.
Ngoài ra, việc đánh lận giữa các trang bị na ná nhau cũng được sử dụng. Chẳng hạn cũng là màn hình DVD cho hai ghế sau trên xe Lexus LX570 nhưng giá giữa màn hình tiêu chuẩn và màn hình trang bị thêm có thể chênh nhau vài trăm tới vài nghìn USD và sự khác biệt duy nhất là mã phụ tùng. Không chỉ vậy, một số đơn vị còn có thể đánh lận cả mã động cơ để giảm giá nhập dù thủ đoạn này khó thực hiện hơn. Chẳng hạn cùng là dòng động cơ dung tích 2.0 lít và có hình thức tương tự nhau nhưng trên thực tế lại thuộc hai phiên bản với công suất khác nhau nhờ khác trang bị tăng áp, hệ thống xả nạp và giá CIF giữa hai phiên bản động cơ cũng chênh nhau rất nhiều.
Bằng nhiều chiêu trò làm phép, các nhà phân phối cả chính hãng lẫn không chính hãng có thể gian lận thuế và đẩy mức lợi nhuận lên cao khiến cả người tiêu dùng lẫn nhà nước bị thiệt hại.
Theo một nhà nhập khẩu xe lâu năm đã giải nghệ, để ngăn chặn điều này, cơ quan chức năng có thể yêu cầu các nhà phân phối cung cấp Vehicle data (thông số kỹ thuật xe) với đầy đủ thông tin liên quan tới xe từ số VIN, thông tin nhà sản xuất, thông tin nhà nhập khẩu tới đại lý phân phối cùng thông tin kèm mã các trang bị trên xe. Thông thường, các nhà máy sản xuất ở Châu Âu không gian lận hóa đơn do bị kiểm soát chặt chẽ nên việc cung cấp Vehicle data sẽ giúp cơ quan chức năng có thể phát hiện ra gian lận trong khai giá, viết hóa đơn đồng thời kiểm soát được trang bị kèm giá thực của xe cũng như dễ dàng hơn trong việc yêu cầu nhà phân phối thực hiện quyền bảo hành, sửa chữa cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc khai báo vehicle data không khó bởi khi xuất xưởng nhà máy sẽ cung cấp kèm theo xe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.