Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Đông náo động vì các cuộc biểu tình rầm rộ

Mai Chi| 03/01/2016 09:40

(HNMO) - Việc Ả Rập Xê-út hành quyết giáo sĩ dòng Shia Sheikh Nimr al-Nimr cùng 46 người khác vào ngày 2/1 vừa qua đã khiến cộng đồng người theo dòng Shia tại khu vực này vô cùng phẫn nộ.

Một người biểu tình tại Bahrain nhằm phản đối vụ hành quyết. (Ảnh: Reuters)


Trong khi đó, quốc gia theo dòng Shia Iran đã chính thức lên án kịch liệt hành động này của Ả Rập Xê-út.

Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại thị trấn phía Đông Ả Rập, Bahrain và nhiều quốc gia khác – những nơi có phần lớn dân số theo dòng Shia.

Sheikh Nimr là một nhân vật quan trọng trong các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2011. Ông là một người thẳng thắn, có tiếng nói và đại diện cho những người Shia thiểu số. Họ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề và bị phân biệt đối xử trong cộng đồng Ả Rập Xê-út với đa số dân theo dòng Sunni.

Nimr là một trong 47 người bị xử tử vào ngày hôm qua, 2/1 sau khi bị kết án về tội khủng bố.

Ngay từ sáng sớm ngày hôm nay, có nhiều nguồn tin từ Tehran cho biết đại sứ quán Ả Rập ở thủ đô Iran đã bị những người biểu tình tấn công.


Bộ Ngoại giao Iran trước đó đã từng tuyên bố quốc gia dòng Sunni sẽ phải “trả giá đắt” cho hành động của mình, đồng thời triệu tập lãnh sự quán Ả Rập tại nước này để phản đối.

Cơ quan thông tấn dẫn lời Vệ binh Cách mạng Iran cho biết “sự trả thù khắc nghiệt” sẽ được tiến hành để đáp lại vụ hành quyết vừa qua.

Về phần mình, Ả Rập Xê-út đã triệu tập đại sứ Iran và trao “thông điệp ngụ ý phản đối mạnh mẽ tuyên bố hiếu chiến của Iran”.

Trang web của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã đăng tải một bức ảnh so sánh vụ hành quyết với hành động của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đại diện cho sức mạnh của dòng Shia trong khu vực, Iran có mối quan tâm rất lớn đến các cộng đồng Shia thiểu số ở vùng Trung Đông.

Tuy nhiên, một trong những nỗi lo chính của Ả Rập Xê-út là lại sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran ở các quốc gia khác, trong đó có Syria và Iraq.

Bởi vậy, vụ hành quyết vừa qua đã dẫn tới sự đụng độ không thể tránh khỏi giữa hai quốc gia này.

Trong khi đó, Hội đồng Shia tại Lebanon gọi vụ hành quyết là một “sai lầm nghiêm trọng”, trong khi nhóm chiến binh Hezbollah mô tả đó là một phi vụ “ám sát”.

Tại nước láng giềng Bahrain – một quốc gia với đa số dân theo dòng Shia – rất nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã diễn ra.

Tại Iraq, giáo sĩ dòng Shia Moqtada al-Shadr đã kêu gọi “các cuộc biểu tình thể hiện sự giận dữ”, nhưng được thực hiện trong hòa bình.

Rất nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra trại Yemen, Pakistan và Kashmir. Mỹ lo ngại sự việc lần này sẽ làm tăng nguy cơ “gây trầm trọng thêm căng thẳng giáo phái” tại khu vực cũng như trên toàn thế giới.

 Ít nhất 1 cuộc biểu tình tuần hành đã được tổ chức tại Qatif, bất chấp lệnh cấm biểu tình nơi công cộng.


Những người biểu tình tại Kashmir (Ảnh: AP)


Những người biểu tình tại khắp nơi hô to khẩu hiệu “Chúng tôi muốn chế độ này sụp đổ” và “Phản đối gia đình al-Saud”. Điều này gợi cho người ta nhớ đến những cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập năm 2011.

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới cũng lên án việc hành quyết 47 tù nhân trong đó có Sheikh Nimr là hành động thể hiện Ả Rập Xê-út đã “coi thường hoàn toàn quyền và mạng sống con người”.

Sheikh Nimr al-Nimr từ lâu đã được coi là nhà lãnh đạo dòng Shia có tiếng nói nhất tại tỉnh Qatif miền Đông Ả Rập. Ông sẵn sàng chỉ trích gia đình cầm quyền al-Saud và kêu gọi cần tiến hành các cuộc bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ông cũng rất thận trọng để tránh việc xảy ra tình trạng bạo lực.

Mặc dù vậy, Bộ Nội vụ Ả Rập Xê-út đã cáo buộc Nirm đứng sau các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát đồng thời gây nên sự bất mãn trong dân chúng vì lợi ích của Iran – đối thủ chính của quốc gia theo dòng Sunni tại khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Đông náo động vì các cuộc biểu tình rầm rộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.