Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, cần đảm bảo có thể triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; trong đó, tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, trong tháng 10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ đề án phục hồi kinh tế. Dự kiến, hai năm 2022 và 2023 được xác định là thời gian phục hồi kinh tế của cả nước.
Dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch
Tại hội nghị trực tuyến "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng", tổ chức ngày 14-9, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng của vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du - miền núi Bắc Bộ đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước; trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước (như Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%...).
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng của 2 vùng đạt 406,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước. Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 doanh nghiệp, chiếm 37,2% cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, hầu hết địa phương miền Bắc đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế có thể không đạt được như đề ra.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 4,54%, thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra trong khoảng 7,5-8%. Hiện, thành phố đang xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm. Theo đó, kịch bản 1, dự báo GRDP quý III có thể là -0,8%, sau đó quý IV phục hồi dần và tăng 6,98%. Kịch bản 2 thấp hơn, dự kiến quý III có thể -0,98%, trong khi quý IV phục hồi dần và đạt 5,15%.
Hải Phòng ước tăng 12,82%, vẫn là mức cao nhưng thấp hơn so với kế hoạch 13,5%. Dự kiến một số địa phương khác cũng tăng khoảng 6-7%, như: Hưng Yên ước tăng 6,32%, Vĩnh Phúc 6,88%, Thái Bình 5,75%...
Tuy nhiên, một số địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, 8 tháng qua, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Yên Bái đều đảm bảo tiến độ, chất lượng: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đạt 5,68%; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng tiếp tục có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. “Dự kiến, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2021 đạt khoảng 7%, hoàn thành 28/32 chỉ tiêu”, ông Trần Huy Tuấn cho biết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán tốc độ tăng trưởng của miền Bắc (gồm trung du, miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng) ước đạt 7,04%.
Nguyên nhân do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và sản xuất, kinh doanh, nhiều thị trường suy giảm mức cầu ở một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như ô tô, xe máy, điện thoại, linh kiện điện tử…
Không những thế, tiêu thụ nội địa sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn do sức mua thấp; giá đầu vào (thức ăn chăn nuôi) tăng ảnh hưởng đến tâm lý mở rộng sản xuất và tái đàn. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng do nguyên liệu nhập khẩu khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp toàn vùng gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc; lưu thông hàng hóa bị hạn chế...
Cần dự báo tốt, lập kế hoạch sát với thực tế
Để đẩy mạnh tăng trưởng những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du, miền núi phía Bắc phải có giải pháp, kế hoạch phục hồi kinh tế nhanh, bắt kịp xu hướng của thế giới.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh đổi mới và cải cách, cơ cấu lại nhanh nền kinh tế, thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược; tập trung tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp với tinh thần cao nhất.
Bên cạnh đó, dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và đầu tư công phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị các ngành rà soát lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng thêm giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch 2021 đã giao; đồng thời, tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành tăng cường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong lập quy hoạch tỉnh.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2022; trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài, ông Nguyễn Cao Sơn đề nghị ngành kế hoạch và đầu tư phối hợp với các ngành, Cục Thống kê tỉnh để có dự báo tốt, lập kế hoạch sát với thực tế, có giải pháp cụ thể, chi tiết, đặt ra nhiều tình huống, đưa ra nhiều kịch bản để chủ động ứng phó với các thách thức có thể xảy ra, qua đó, đảm bảo hiệu quả các chỉ tiêu tăng trưởng của địa phương.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh Yên Bái, ông Trần Huy Tuấn cũng đề nghị được xem xét, sớm quyết định đầu tư; giao kế hoạch trung hạn năm 2021 cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương triển khai thực hiện; cho phép tỉnh Yên Bái giảm kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) năm 2021; xem xét, bổ sung kế hoạch vốn năm 2021 nguồn ngân sách trung ương trong nước cho Yên Bái từ số vốn điều chỉnh giảm của các bộ, ngành, địa phương khác để tỉnh có thêm điều kiện về nguồn lực giải ngân cho các dự án trọng điểm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà sản xuất; kết nối các địa phương, tiêu thụ sản phẩm và áp dụng các biện pháp chế biến sâu để tăng giá trị, chất lượng sản phẩm… “Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đạt kết quả cao nhất như chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành trung ương hướng dẫn tổ chức thi công các công trình phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong từng giai đoạn cụ thể”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương chú trọng vào việc dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới," nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, khắc phục các tác động của dịch Covid-19; các vấn đề về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội.
“Các địa phương cần chú trọng đánh giá toàn diện, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp về vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng. Bởi lẽ, nếu vấn đề này được làm tốt, các địa phương sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.