Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Kích cầu tiêu dùng nội địa, do Báo Người lao động tổ chức ngày 19-12.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho hay, những năm qua, “3 động lực phát triển” kinh tế là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công (để kích tổng cầu). Gần đây, “cỗ xe tứ mã” cho tăng trưởng gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công.
Tác động từ “cỗ xe tứ mã” đã được chứng minh trong những tháng gần đây như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm, xuất khẩu tăng trở lại, tiêu dùng nội địa tăng trưởng khá. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, trong năm 2024, “cỗ xe tứ mã” có thể phát huy được tác dụng mạnh mẽ hơn.
Tôi cho rằng đã đến lúc phải khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường nội địa, xem đây là trọng tâm cân đối với chính sách hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế. Quốc hội đã thông qua việc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%, đây là công cụ quan trọng để kích cầu tiêu dùng nội địa - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, năm 2024, cầu tiêu dùng vẫn là đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế.
Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng tiêu dùng nội địa cả nước trong năm 2024. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Thành phố đang đẩy mạnh liên kết vùng. Cuối tuần này, thành phố sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2023 và tiếp tục đẩy mạnh liên kết này trong năm 2024.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, doanh số bán buôn, bán lẻ của thành phố trong 2023 ước đạt 707.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Đây là động lực góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong đó, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, doanh thu thương mại điện tử 2023 tại thành phố tăng khoảng 60%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.