Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh thành phố nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội để tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025.
Sáng 9-12, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai mươi, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo điều hành của UBND thành phố và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo đó, năm 2024, Hà Nội vừa phải vượt qua các thách thức hiện tại, vừa cần tận dụng cơ hội để vươn lên, khẳng định vị thế Thủ đô văn minh, hiện đại và hội nhập sâu rộng. UBND thành phố đã quán triệt và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy với phương châm: “Nắm vững chủ trương, chính sách - Nắm chắc tình hình, thực tiễn - Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ” và “Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của trung ương và thành phố”.
UBND thành phố đã sớm ban hành chương trình công tác với 303 chuyên đề, đề án thuộc phạm vi, thẩm quyền của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; ban hành Chương trình hành động với 5 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và 179 nhiệm vụ theo phương châm “5 rõ, 1 xuyên suốt”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và vượt so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư. Trong đó, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%). Quy mô GRDP khoảng 58 tỷ USD.
Thành phố phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô qua tổ chức thành công các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
An sinh xã hội được đảm bảo. Công tác chăm lo đời sống cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Cải cách hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh và có nhiều kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2024 vẫn còn một số tồn tại hạn chế như trong các báo cáo đã nêu như: Dự kiến 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; GRDP cả năm dự kiến thấp hơn mức bình quân của cả nước; số thu tiền sử dụng đất tại một số quận, huyện còn đạt thấp; chỉ số PCI và PAPI giảm bậc xếp hạng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn chậm được xử lý; tình trạng cháy, nổ trên địa bàn còn nguy cơ tiềm ẩn…
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, thành phố quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Đặc biệt là quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.
Một số phương hướng cụ thể đề ra như đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng các khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học; hạ tầng khung các thành phố thuộc Thủ đô.
Thể chế hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai quy hoạch theo phương châm: "Thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - tư tưởng thông suốt với văn hóa soi đường và nhân tài dẫn lối”. Xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng văn hóa số...
Trên tinh thần đó, năm 2025, thành phố quyết liệt tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số (nhất là thương mại điện tử), kinh tế đêm, kinh tế đô thị…
Thành phố tiếp tục thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tập trung hoàn thiện 114 nhiệm vụ (hiện nay đã hoàn thành 12 nhiệm vụ); triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, triển khai cụ thể bằng các nhiệm vụ, chương trình, dự án, công trình cụ thể gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài sản công (và các nguồn lực mới: Tài nguyên nhân văn, tài nguyên số…).
Ngoài ra, thành phố ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị nhằm tạo diện mạo phát triển mới của Thủ đô “Xanh, sạch, đẹp, thông minh”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.