Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm phát gia tăng trở lại tại Eurozone: Cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế

Quỳnh Dương| 18/05/2023 06:20

(HNM) - Sau 5 tháng “hạ nhiệt”, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rục rịch tăng trở lại, lên mức 7%. Trong đó, giá thực phẩm vẫn ở mức cao gần 14%, khiến dấy lên những lo ngại về việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, làm gia tăng các khoản nợ xấu và cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế đang ngấp nghé mức suy thoái.

Giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Dữ liệu do Văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng 4-2023 đã tăng lên 7% so với 6,9% của tháng trước. Trong đó, giá thực phẩm tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022; hàng công nghiệp phi năng lượng tăng 6,2%; dịch vụ tăng 5,2%; giá năng lượng cũng tăng trở lại 2,5% sau khi giảm nhẹ 0,9% trong tháng 3-2023.

Trong số các thành viên Eurozone, Latvia tiếp tục vật lộn với mức lạm phát cao nhất với tỷ lệ 15%, tiếp theo là Slovakia, Litva và Ireland. Tất cả đều phải đối mặt với mức giá tiêu dùng tăng 2 con số. Tại Pháp, giá tiêu dùng đã tăng 6,9% trong tháng 4 so với mức 6,7% trong tháng 3.

Dù vừa nâng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp lên mức 3,25%, song trong bối cảnh áp lực giá cả và tiền lương vẫn ở mức cao, ECB nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Giới chuyên gia và thị trường đang nghiêng nhiều về khả năng ECB sẽ thực hiện thêm 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 6 và 7 với mức tăng mỗi lần thêm 0,25%. Tuy vậy, các động thái này sẽ được thực hiện căn cứ vào các dữ liệu thực tế của nền kinh tế để tránh gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cho biết, yêu cầu kiềm chế lạm phát đồng thời tránh suy thoái kinh tế là thách thức lớn nhất mà EU sẽ phải đối mặt trong những tháng tới. Áp lực lạm phát tổng thể tại châu Âu khó giảm xuống mức mục tiêu 2% cho đến ít nhất năm 2025. Lạm phát cơ bản được dự đoán ở mức trung bình lần lượt là 5,5%, 5,0% và 3,9% trong quý II, quý III và quý IV-2023 và trung bình 2,7% vào năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc ECB sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự kiến.

Lãi suất được duy trì ở mức cao sẽ cản trở các doanh nghiệp đi vay để đầu tư hoặc mở rộng hoạt động sản xuất. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos, những đợt tăng lãi suất giúp nới rộng biên độ cho vay của các ngân hàng nhưng cũng có thể khiến các doanh nghiệp, cá nhân đi vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, làm tăng tỷ lệ nợ xấu. Kết quả khảo sát được tiến hành tại gần 160 ngân hàng trong khu vực cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2023, nhu cầu ròng về các khoản vay dành cho doanh nghiệp giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2008. Khoản vay mua nhà của các hộ gia đình cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Quý IV-2022 và quý I-2023, Eurozone đã may mắn tránh được suy thoái kinh tế khi tăng trưởng ở mức 0,1%. Dự kiến, khu vực này sẽ tăng trưởng trung bình 0,7% trong năm nay trước khi phục hồi lên mức 1,0% trong năm tới. Tuy nhiên, các nền kinh tế thành viên của EU vẫn đối mặt không ít rủi ro trong bối cảnh động lực tăng trưởng hiện vẫn rất yếu. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ hai, cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới ở châu Âu và "bão lạm phát" có thể thổi bay mọi nỗ lực của các chính phủ.

Với những diễn biến nói trên, kinh tế Lục địa già còn phải trải qua một chặng đường dài mới có thể bước vào giai đoạn phục hồi vững chắc. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc sử dụng các "liều thuốc tăng lực" cho nền kinh tế, các quốc gia châu Âu luôn phải nỗ lực bảo đảm môi trường tương đối ổn định để nền kinh tế từng bước phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát gia tăng trở lại tại Eurozone: Cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.