Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở ngại trong tiến trình hòa hợp ở Myanmar

Mai Chi| 14/08/2017 06:17

(HNM) - Nỗ lực thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm mở ra cơ hội phát triển của Myanmar tiếp tục vấp phải trở ngại do những xung đột sắc tộc, tôn giáo.

Ngày 12-8, Chính phủ nước này đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm mới có hiệu lực ở “những khu vực cần thiết” tại bang Rakhine, nơi có hơn 1 triệu người Hồi giáo Rohingya sinh sống, trong bối cảnh quân đội đang triển khai hàng trăm binh sĩ tới khu vực bất ổn này để ổn định tình hình.

Lực lượng an ninh Myanmar làm nhiệm vụ tại thị trấn Buthidaung, bang Rakhine.


Bạo lực bắt đầu gia tăng tại bang miền Tây Myanmar kể từ tháng 10-2016, khi các chiến binh thuộc lực lượng nổi dậy Rohingya tuyên bố đã thực hiện cuộc đột kích vào 3 trụ sở cảnh sát khiến 9 người thiệt mạng, kéo theo hàng loạt vụ đụng độ liên tiếp diễn ra vào tháng 11. Trên các trang mạng xã hội, lực lượng trên khẳng định, mục tiêu của các chiến binh là đấu tranh thúc đẩy quyền của người Rohingya và phủ nhận việc có hành vi giết hại dân thường.

Động thái này đã khiến chính quyền Myanmar thực hiện một chiến dịch quân sự mà Liên hợp quốc lo ngại nếu không được kiểm soát tốt sẽ trở thành một cuộc “thanh lọc sắc tộc” nhằm vào người Hồi giáo Rohingya thiểu số. Ít nhất 44 dân thường đã thiệt mạng, 27 người khác bị bắt cóc và hàng trăm người dân phải di tản khi xảy ra hàng loạt vụ bạo lực tại bang Rakhine từ tháng 10 năm ngoái đến nay.

Khu vực này hiện là nơi sinh sống của hơn 1 triệu người Rohingya, những người cho rằng họ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử và kỳ thị. Dù đã định cư tại đây qua nhiều thế hệ, nhóm dân tộc thiểu số này bị chính phủ phân loại là người nhập cư bất hợp pháp nên không đủ điều kiện nhập quốc tịch và phải đấu tranh để tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Tại bang Rakhine, ít nhất 120.000 người Rohingya đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột với cộng đồng người theo Phật giáo.

Sau những xung đột không ngừng tại Rakhine, Chính phủ Myanmar đã chỉ trích nhiều vụ tấn công là hành động khủng bố. Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ đã lên án các hành động cực đoan và khẳng định sẽ áp đặt biện pháp để ổn định tình hình.

Ngày 10-8, Chính phủ đã triển khai khoảng 500 quân tới một số thị trấn tại bang Rakhine, trong đó có Buthidaung và Maungdaw, gần biên giới với Bangladesh. Quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực và ban bố lệnh giới nghiêm diễn ra chỉ một tuần sau khi người dân địa phương cho biết đã tìm thấy thi thể của 7 tín đồ Phật giáo gần thị trấn Maungdaw và phát hiện ra một khu trại của các chiến binh Rohingya.

Tuy vậy, động thái trên đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng tình trạng bất ổn và bạo lực tại khu vực. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền tại Myanmar Yanghee Lee kêu gọi các lực lượng an ninh Myanmar kiềm chế trong mọi tình huống và tôn trọng nhân quyền trong việc giải quyết bất ổn tại Rakhine, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng vũ lực cần phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để bảo đảm sự tôn trọng hoàn toàn đối với mạng sống con người.

Với dân số hơn 50 triệu người, bao gồm 135 dân tộc và nhiều nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại, nguy cơ chia rẽ khu vực và sắc tộc luôn đe dọa sự ổn định xã hội tại Myanmar. Kể từ khi bắt đầu quá trình cải cách, Chính phủ Myanmar đã chọn hòa giải và hòa hợp dân tộc là nền tảng cho sự phát triển. Chính sách này và hàng loạt cải cách chính trị, kinh tế đã tạo ra luồng gió mới tại xứ sở Ngọc bích.

Tuy vậy, nếu không kịp thời có những biện pháp ngăn chặn tình trạng phân biệt tôn giáo và sắc tộc, hành trình đổi mới tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ đứng trước những trở ngại đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở ngại trong tiến trình hòa hợp ở Myanmar

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.