(HNM) - Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật ở nước ta đã tương đối đầy đủ và đang được triển khai rộng khắp, góp phần tạo giá đỡ cho các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trước thực tế việc triển khai những chính sách này còn có hạn chế nhất định, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần thực hiện các giải pháp mang tính chất tạo đòn bẩy để người khuyết tật chủ động, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Sức mạnh của nghị lực, niềm tin
Không may bị khiếm thị, anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân vẫn có thể thực hiện cùng lúc nhiều công việc khác nhau. Trên cương vị là người chèo lái hoạt động của Hội, anh Thành tích cực kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trao quà, học bổng cho học sinh, sinh viên khiếm thị, trợ cấp hằng tháng cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Thanh Xuân. Cùng với đó, anh Thành mời các diễn giả uy tín chia sẻ kinh nghiệm sống, kỹ năng học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm cho những hội viên trẻ; mời giáo viên hướng dẫn cách thức rèn luyện, chăm sóc sức khỏe cho hội viên cao tuổi…
Anh Thành cho hay: “Tôi tâm niệm, con người dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, nếu bản thân họ có đủ quyết tâm, người thân và cộng đồng tạo điều kiện giúp đỡ, thì mỗi người đều có cơ hội vươn lên”. Trên thực tế, tấm gương vượt khó của anh Thành đã góp phần tạo niềm tin cho những người đồng cảnh ngộ. Anh Trương Quang Hải (ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Sinh hoạt tại Hội Người mù quận Thanh Xuân, tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm về vật chất, nguồn động viên, khích lệ tinh thần. Từ đó, tôi tự tin, làm việc chăm chỉ hơn để làm chủ cuộc sống của mình”.
Cũng xuất phát từ mong muốn thay đổi số phận, chị Nguyễn Thị Kim Chi - bị khuyết tật vận động (hội viên Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Hoàng Mai) đã kiên trì theo đuổi ước mơ trở thành dược sĩ. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và xã hội, sau nhiều năm miệt mài học, trau dồi kỹ năng chuyên môn, đến nay, Kim Chi đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược và mở một số cửa hàng thuốc trên địa bàn thành phố.
Ngoài những điển hình đã nêu, trên địa bàn Hà Nội và cả nước còn nhiều người khuyết tật đã nỗ lực học tập, mạnh dạn vay vốn ưu đãi để thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và người đồng cảnh ngộ. Ðiển hình như chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai) mở cơ sở may mặc tại địa phương; chị Ðinh Thị Quỳnh Nga (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) làm Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng; anh Phạm Việt Hoài (phường Mộ Lao, quận Hà Ðông) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần KymViet chuyên sản xuất hàng thủ công bán ở trong nước và xuất khẩu đi nhiều thị trường quốc tế…
Phát huy năng lực, sở trường
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam nhận định, đối với người khuyết tật, ngoài chính sách bảo trợ xã hội, giải pháp tối ưu giúp họ hòa nhập cộng đồng là người thân và các cơ quan chức năng hãy trao cho họ niềm tin, hỗ trợ dạy nghề, tạo cơ hội việc làm phù hợp từng người, theo từng dạng tật. Thành công của những nhân vật nêu trên chính là minh chứng rõ nhất cho điều này. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật vẫn còn những hạn chế nhất định.
Cụ thể, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (bằng 6,5% dân số), trong đó số người khuyết tật nhẹ, còn khả năng lao động chiếm hơn 80%, số người khuyết tật trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60%. Thế nhưng, cả nước mới có khoảng 3% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động được tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn. Số người khuyết tật được gia đình tạo điều kiện học tập cũng không nhiều. “Điều đó lý giải vì sao, đa số người khuyết tật còn khả năng lao động mong muốn có việc làm, nhưng số người có việc làm mới chiếm khoảng 30%”, bà Đặng Huỳnh Mai trăn trở.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội là điểm sáng của cả nước trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật, nhưng cũng mới chỉ có hơn 30% hội viên được học nghề.
Để tạo đòn bẩy cho người khuyết tật chủ động, tự tin hòa nhập cộng đồng, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là người khuyết tật được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời có cơ chế hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật phù hợp với từng dạng tật theo phương thức kèm cặp, truyền nghề…
Ở góc nhìn của người trong cuộc, anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art), đồng thời là Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông mong muốn mỗi người khuyết tật hãy vượt qua tâm lý sống thụ động, khép kín; các gia đình hãy động viên, hỗ trợ con, em mình tự tin học tập, làm nghề.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, trình Chính phủ “Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030”. Dự thảo đề án đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người khuyết tật phát huy năng lực, sở trường, bảo đảm cho những người có khả năng lao động được tham gia vào thị trường lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.