(HNM) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa có chuyến công du tới Qatar. Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ ba của ông tới quốc gia Arab này kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.
Trong chuyến thăm kéo dài một ngày, ông R.Erdogan đã tham dự cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban Chiến lược cấp cao Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Quốc vương nước chủ nhà Tamim bin Hamad Al Thani. Hai nước ký một số thỏa thuận hợp tác song phương, đồng thời Tổng thống R.Erdogan đi thăm một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với khoảng 5.000 binh sĩ đang đồn trú.
Trong những năm gần đây, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo dựng mối quan hệ thân thiết. Hai bên không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế mà còn có sự gần gũi về quan điểm đối với Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Qatar đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng ly khai người Kurd. Cả hai nước cũng đều có chung sự cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia.
Đặc biệt, Ankara và Doha xích lại gần nhau hơn kể từ khi Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập năm 2017 ngừng quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sự hiện diện tại Qatar trong khi Doha cam kết hỗ trợ kinh tế cho Ankara trong cuộc khủng hoảng đồng nội tệ lira hồi năm ngoái. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria ngày 9-10 vừa qua, chính quyền Doha tuyên bố ủng hộ Ankara, trong khi các nước Arab lên án "hành vi gây hấn" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế, ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này là về phía đồng minh Qatar. Chính quyền Ankara đã lên tiếng phản đối việc các nước Arab láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và luôn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách hỗ trợ giải quyết khủng hoảng ở vùng Vịnh thông qua con đường ngoại giao.
Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Doha thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết sau khi Saudi Arabia tăng cường cô lập Qatar bằng việc đóng cửa biên giới và hoãn các chuyến bay.
Các nhà phân tích cho rằng, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh không có gì khó hiểu.
Thứ nhất, căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đang có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông bởi một trong những yêu cầu của các nước Arab đối với Qatar là việc Doha phải đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này. Nếu căng thẳng tiếp diễn, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn bất lợi trong việc hiện diện ở một vị thế chiến lược trong khu vực.
Thứ hai, trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang trải qua giai đoạn tồn tại nhiều bất đồng, Ankara cũng phải dè dặt trước nguy cơ tác động tiêu cực tới mối quan hệ với cường quốc trong khu vực là Saudi Arabia.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống R.Erdogan diễn ra vào thời điểm quan trọng khi có dấu hiệu cho thấy sự "tan băng" trong quan hệ căng thẳng giữa các nước vùng Vịnh. Khối các nước do Saudi Arabia dẫn đầu đã nhận lời mời tham gia Giải vô địch Bóng đá vùng Vịnh của các nước Arab tại thủ đô Doha diễn ra từ ngày 26-11 đến 8-12 tới.
Phát biểu tại căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar ngày 25-11, Tổng thống R.Erdogan bày tỏ hy vọng những tranh cãi giữa liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu với Qatar sẽ nhanh chóng chấm dứt.
Theo các nhà phân tích, ông R.Erdogan luôn biết tìm kiếm “lối ra” cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Bởi căng thẳng tại Trung Đông nói chung và Qatar nói riêng đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, một khi tìm ra hướng giải quyết thích hợp, Ankara sẽ có cơ hội gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.