(HNM) - Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Nhiều mục tiêu cụ thể đã được đặt ra như nâng cao thứ hạng quốc gia trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng Thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), UN (Liên hợp quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân...
Các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần căn cứ Nghị quyết xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra các giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao... Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định, điều kiện kinh doanh theo hướng thực chất, tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp... Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với nguyên tắc: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...
Có thể thấy, một tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả quốc gia tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn. Bởi trên thực tế, cùng với các giải pháp đồng bộ khác, chủ trương này đã mang lại hiệu quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của đất nước cao nhất trong vòng 10 năm qua, quy mô nền kinh tế không ngừng lớn mạnh, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm...
Ngẫm xa hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia nói chung hay từng mục tiêu tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng quốc tế nói riêng là nhằm mang tới những động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và bền vững.
Ngược chiều thời gian, nền kinh tế nước nhà đã từng có giai đoạn đạt tăng trưởng cao trên 7%/năm, song đó là tăng trưởng dựa trên nguồn nhân công giá rẻ, dựa trên thâm dụng tài nguyên... Khi công nghệ phát triển, lao động giá rẻ không còn là lợi thế, nguồn tài nguyên cạn kiệt thì tăng trưởng cũng chậm lại. Các yếu tố quan trọng thể hiện sức mạnh của nền kinh tế như cạnh tranh, sử dụng công nghệ tiên tiến, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có sản phẩm, doanh nghiệp mang thương hiệu quốc tế... vẫn mãi giậm chân tại chỗ. Hơn thế, hậu quả về môi trường vô cùng nặng nề và tốn kém.
Vì thế có thể chỉ ra, động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế chính là: Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách thể chế; phát triển mạnh kinh tế tư nhân; phát triển khoa học và công nghệ. Khi chúng ta có đội ngũ nhân lực chất lượng, có năng suất lao động cao thay vì chỉ dựa vào giá rẻ; khi chúng ta biết áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới thay vì chỉ biết khai thác tài nguyên và tiếp nhận công nghệ lạc hậu; khi chúng ta có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có khát vọng, đổi mới sáng tạo, làm ra sản phẩm thương hiệu Việt Nam mang tầm cỡ thế giới thay vì chỉ biết gia công cho nước ngoài... lúc đó chúng ta đạt được tăng trưởng kinh tế không chỉ nhanh mà còn bền vững; đất nước nhanh chóng thoát khỏi sự tụt hậu, từng bước sánh cùng các nước phát triển trong khu vực và sẵn sàng cho "sân chơi" lớn toàn cầu.
Những thành tựu kinh tế - xã hội trong năm 2018 mang lại sự phấn khởi và tự tin. Một Chính phủ kiến tạo và đồng hành khơi dậy những khát vọng lớn lao cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là phong trào mà trở thành sự đòi hỏi tự thân của nền kinh tế. Song chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều khó khăn phải vượt qua.
Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức...". Vì thế để đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh còn đòi hỏi sự bứt phá về quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, của cả bộ máy từ trung ương đến địa phương đúng như tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP và phương châm hành động của Chính phủ: "Kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - bứt phá - hiệu quả".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.