Công nghệ

Chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học:Thêm động lực cho nhà khoa học

Thu Hằng 16/04/2024 - 07:27

Một trong những điểm nghẽn cơ chế chính sách về khoa học công nghệ hiện nay là việc chưa chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ để có hành lang pháp lý quan trọng, tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học, qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

khoa-hoc.jpg
Nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Thay đổi quan điểm tiếp cận

Theo Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), nghiên cứu khoa học cần phải chấp nhận rủi ro. Lâu nay, Việt Nam vẫn giữ quan điểm đã thực hiện đề tài khoa học và công nghệ thì phải thành công. Quan điểm này cần phải được thay đổi.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, nghiên cứu khoa học luôn có tính rủi ro. Vì vậy, Nhà nước khi đầu tư cho các sản phẩm khoa học và công nghệ phải chấp nhận rủi ro. Những gì nhận được sau những nghiên cứu khoa học, dù thành công hay thất bại đều có ý nghĩa.

“Hãy nhìn các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm đang làm. Rủi ro có thể lên đến 90% nhưng chỉ cần 10% thành công cũng đủ để đeo đuổi. Vì nếu thành công thì sẽ đem lại những lợi ích to lớn”, Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, “độ trễ” và “rủi ro” là bản chất của nghiên cứu khoa học, cần được chấp nhận trong hoạt động nghiên cứu. Đơn cử như việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao cấp bách cần xác định nguyên nhân cá và san hô chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, bắt đầu từ ngày 6-4-2016 ở Hà Tĩnh, rồi lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phân tích số liệu hiện trường, xây dựng mô hình phát tán chất độc trong nước biển và dọc theo bờ biển miền Trung trên cơ sở những số liệu đã có trong “ngăn kéo” từ những đề tài điều tra cơ bản về sinh vật biển, về môi trường và về hải dương học được thực hiện trước đó.

"Như vậy, đã có độ trễ ứng dụng kết quả nghiên cứu. Ở đây, sự phối hợp nghiên cứu liên ngành và đa lĩnh vực về nghiên cứu cơ bản và điều tra cơ bản (hóa học, luyện kim, hải dương học, sinh học biển, viễn thám, công nghệ môi trường, tính toán mô phỏng...) đã buộc Hãng Formosa phải thừa nhận “tâm phục khẩu phục” là thủ phạm xả thải độc hại ra biển, chấp nhận đền bù 500 triệu USD. Nếu không có sẵn dữ liệu trong “ngăn kéo” và có đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản giỏi thì sẽ không có kết quả như vậy”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm chia sẻ.

Sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ

Dù quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã được đề cập ở Điều 23, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (về ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ) nhưng nội dung còn mờ nhạt và chưa có một quy trình cụ thể để áp dụng trong thực tế.

Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành, Thông tư số 07/2014 hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa đề cập đến các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao. Tương tự, các thông tư khác cũng chưa có hướng dẫn về quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học như Thông tư số 09/2014 về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hay Thông tư số 08/2017 về tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước…

Để tháo gỡ điểm nghẽn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế của đất nước.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới, rủi ro đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến có 15 nhóm chính sách lớn và đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục hoàn thiện, trong đó, nội dung về chấp nhận rủi ro được thể hiện ở trong 3 chính sách, liên quan đến tổ chức khoa học và công nghệ, chương trình nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) sẽ có nhiều điểm mới, đột phá, thể hiện được kỳ vọng “lột xác”, trong đó sẽ mở rộng cơ chế chấp nhận rủi ro để khuyến khích các nhà khoa học đam mê nghiên cứu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấp nhận độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học: Thêm động lực cho nhà khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.