Văn nghệ

Thêm động lực cống hiến cho nghệ thuật

Yên Nga 17/03/2024 - 08:10

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội vừa qua là dấu ấn lớn trong sự nghiệp của hai vợ chồng Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội và Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Cả hai được nhận danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trong cùng một ngày càng nhân lên niềm vui, thêm động lực cùng nắm tay nhau cống hiến phát triển nghệ thuật Hà Nội nói riêng và nước nhà nói chung.

“Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, đây là niềm vui, hạnh phúc nhân đôi với cả Tấn Minh và Thu Huyền”, cả hai nghệ sĩ đều chia sẻ cùng một câu nói khi đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền là gương mặt nổi bật của làng chèo. Sinh năm 1975 tại Hà Nội, tuy gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật nhưng Thu Huyền yêu thích ca hát từ bé. 14 tuổi, trong cuộc thi hát của Cung Thiếu nhi Hà Nội, một nhạc công phát hiện tố chất và khuyên Thu Huyền thi vào Nhà hát Chèo Hà Nội. Cô trúng tuyển, được truyền nghề từ những thế hệ đi trước và gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội, với nghệ thuật chèo đến nay.

Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền nổi tiếng với vai diễn Thị Màu trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”. Đôi mắt lúng liếng, hàm răng khểnh duyên dáng cùng giọng hát chèo ngọt ngào, lối diễn ấn tượng, nữ nghệ sĩ giành nhiều giải thưởng với vai diễn này và góp phần đưa nghệ thuật chèo đến với nhiều đối tượng khán giả hơn.

Những năm gần đây, Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền tham gia Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội, tổ chức nhiều hoạt động tìm kiếm, bồi dưỡng, đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ cho làng chèo Thủ đô. Từ năm 2023, Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền cùng các nghệ sĩ chèo gạo cội triển khai chương trình phục dựng các vở chèo cổ đặc sắc của nghệ thuật chèo Việt Nam, giao cho các nghệ sĩ trẻ thể hiện các vai mẫu. Chính nghệ sĩ Thu Huyền cũng trực tiếp dốc sức truyền vai cho lớp trẻ.

Nếu như Thu Huyền chọn theo đuổi nghệ thuật truyền thống thì Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh - người bạn đời của cô thành danh ở mảng nhạc nhẹ. Sinh năm 1972 tại Nam Định, năm 16 tuổi, Tấn Minh lên Hà Nội thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối, Tấn Minh chọn về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và cũng gắn bó với đơn vị nghệ thuật của Thủ đô hơn 30 năm nay.

Tên tuổi của Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh gắn liền với các bài tình ca như “Phượng hồng”, “Bức thư tình đầu tiên”, “Mối tình đầu”, “Em và tôi”, “Mong về Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Điều giản dị”...

Ở cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh chỉ đạo dàn dựng nhiều chương trình hấp dẫn, tạo nên thương hiệu âm nhạc cho Hà Nội như “Hà Nội, ngày… tháng… năm - Những thanh xuân rực rỡ”, “Hà Nội xưa và nay”, “Thanh âm”…

Cùng gắn bó phát triển nghệ thuật Hà Nội, hai nghệ sĩ cũng đồng hành với nhau trên đường đời 20 năm nay và có một “tổ ấm” hạnh phúc, bền chặt, viên mãn. Chia sẻ về việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình khi cả hai vợ chồng đều hoạt động nghệ thuật, lại ở cương vị lãnh đạo vô cùng bận rộn, Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh nói: “Chúng tôi luôn chia sẻ với nhau, nhất là trong hoạt động nghệ thuật. Mặc dù hoạt động ở hai lĩnh vực nhưng chúng tôi luôn là khán giả khó tính để góp ý cho nhau cùng tốt lên”.

Chọn Hà Nội là nơi hoạt động trong suốt sự nghiệp của mình, Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh và Thu Huyền cho biết, đơn giản vì yêu Hà Nội với những nét văn hóa đặc sắc, những con người thanh lịch, văn minh, tài năng và nhiệt huyết.

“Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là động lực để chúng tôi tiếp tục tận hiến với nghề, truyền dạy cho thế hệ tiếp theo và trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ phấn đấu hơn trong nghề, qua đó cùng đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô và đất nước”, Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm động lực cống hiến cho nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.