(HNM) - Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Kabenika (Nhật Bản) vừa cùng nhau làm việc trong 3 tháng và ra mắt tác phẩm “Sự sống”.
Vở kịch hình thành từ Dự án giao lưu kịch Việt Nam - Nhật Bản, được thực hiện từ tháng 9-2018. Các nghệ sĩ Nhà hát Kabenika gồm đạo diễn, biên đạo hình thể, thiết kế ánh sáng, nghệ sĩ âm nhạc, diễn viên đã đến Nhà hát Kịch Việt Nam tìm hiểu về sân khấu nước ta. Đồng thời, họ cũng hướng dẫn các nghệ sĩ Việt Nam về kịch Noh, kịch Kabuki, kịch hiện đại Nhật Bản và cách biểu đạt thông qua kỹ thuật múa.
Vở kịch “Sự sống” kể về hành trình của một thiếu niên hiếu thảo, theo đoàn leo núi để cầu nguyện cho mẹ mình khỏi bệnh. Không may, trên đường đi, cậu bị bệnh. Theo nguyên tắc của đoàn leo núi, cậu sẽ bị ném xuống vách núi để tránh ảnh hưởng đến mọi người. Giống như truyện cổ tích thường kết thúc có hậu, ở câu chuyện cổ của Nhật Bản, cậu bé được một vị thần núi cứu sống…
Tại Nhật Bản, tác phẩm thường được dàn dựng theo hình thức kịch Noh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các nghệ sĩ thống nhất đưa tác phẩm đến với khán giả theo một lối khác, vừa hiện đại, vừa Nhật Bản, vừa Việt Nam mà vẫn giữ nguyên nội dung.
Đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshige dường như phá bỏ các quy tắc của một vở kịch truyền thống trong tác phẩm này. Sân khấu không cần trang trí, đạo cụ chỉ có vài chiếc ghế nhựa, một tấm vải trắng, một đoạn dây thừng. Diễn viên mặc trang phục giống như trong một buổi tập luyện và “Tanikoh” là câu chuyện ngẫu nhiên họ chọn để diễn xuất. Các diễn viên cũng không vào vai diễn cố định như thông thường mà liên tục đổi vai cho nhau, khi là người mẹ, khi là người con, có lúc lại là người thầy dẫn dắt đoàn leo núi.
Vở kịch có sự tham gia diễn xuất của cả nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản, nói hai ngôn ngữ khác nhau nhưng không có phụ đề. Mỗi tình huống được các nghệ sĩ phân thành từng nhóm diễn lặp lại. Sân khấu dễ dàng chia tách, để có thể diễn nhiều cảnh đồng thời.
Ví dụ, trên sân khấu, một bên là cảnh cậu thiếu niên nỗ lực leo núi, một bên là cảnh về kỷ niệm đẹp đẽ với mẹ, để ai cũng hiểu từ đâu cậu thiếu niên ấy có đủ nghị lực vượt núi non hiểm trở. Có những tình huống bao gồm hai, ba cách xử lý khác nhau, được thể hiện cùng lúc trên sân khấu và người xem có thể chọn lựa theo suy nghĩ của riêng mình.
Sự lặp lại ở những tình tiết quan trọng là dụng ý của ê kíp dàn dựng, nhằm truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc của vở kịch: Sự sống là điều quan trọng nhất, nhưng không vì sự sống của bản thân mà bỏ rơi người khác.
Vở gây ấn tượng với phần âm nhạc. Hai nghệ sĩ nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản là Kitamura Kimihiro (sáo Shakuhachi) và Kiju (đàn Tsugaru Shamisen) đã đồng hành với dự án, sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Đây là những nghệ sĩ độc lập đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn trên thế giới.
Ở vở diễn này, họ kết hợp nhuần nhị những giai điệu truyền thống Nhật Bản và các tác phẩm quen thuộc trong âm nhạc Việt Nam, để vừa tạo bối cảnh cho vở diễn vừa kéo câu chuyện cổ xưa của đất nước Mặt trời mọc đến với khán giả nước ta.
“Sự sống” tiếp tục đến với khán giả Thủ đô trong thời gian tới, trước khi được giới thiệu với công chúng Nhật Bản. Quan trọng hơn, từ dự án giao lưu này, các nghệ sĩ hai nước đang ấp ủ những tác phẩm hợp tác mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.