(HNM) - Sau những vở diễn gây tiếng vang trong nước và quốc tế, Sân khấu Lệ Ngọc mạnh dạn dàn dựng và cho ra mắt vở kịch “Vua Lear” - một trong những vở bi kịch chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa nhất của đại văn hào William Shakespeare, mong muốn tạo dấu ấn mới ở kịch kinh điển.
“Vua Lear” là một vở bi kịch dựa trên lịch sử của một vị vua Celtic thời tiền La Mã của nước Anh. Nhà viết kịch tài ba Shakespeare viết vở kịch này khoảng năm 1604, giữa hai vở bi kịch nổi tiếng khác là “Othello” và “Macbeth”. Vở diễn đã được dàn dựng nhiều lần tại những sân khấu lớn trên thế giới và luôn là thử thách đối với người sáng tạo. Tại Việt Nam, “Vua Lear” từng được Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam khoảng những năm 80 của thế kỷ trước. Gần đây, một đơn vị xã hội hóa của Thủ đô là Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng vở diễn này với sự dấn thân đáng ghi nhận.
Trên Sân khấu Lệ Ngọc, Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng, người có nhiều kinh nghiệm đạo diễn sân khấu kịch kinh điển, đã chọn cách hóa giải từng lớp nghĩa của vở kịch phù hợp với khán giả Việt Nam. Đạo diễn trung thành với kịch bản gốc để giữ trọn vẹn phong cách, nội dung, tư tưởng và bối cảnh của kịch kinh điển. Tuy nhiên, vì kịch bản gốc dài gần 4 giờ, nên ông đã cắt gọt và đẩy nhanh tiết tấu vở kịch chỉ còn hơn 2 giờ cho phù hợp với một buổi thưởng thức nghệ thuật hiện nay.
Vở diễn bắt đầu khi vua Lear ở tuổi 80, triệu tập các triều thần cùng 3 cô con gái, 2 chàng rể và 2 người cầu hôn con gái út để thông báo ý định giao đất đai, quyền điều hành đất nước lại cho các con. Trước khi phân chia, ông có một phép thử xem cô con gái nào ông nhận thấy yêu thương mình nhiều nhất thì sẽ ban ân huệ.
2 con gái lớn Goneril và Regan thề thốt những lời yêu vô bờ bến khiến ông hài lòng, trong khi cô con gái út Cordelia với tình yêu thương chân thành, thuần khiết chỉ nói lời giản đơn gây sự phẫn nộ trong ông. Vua Lear quyết định chia đất nước cho 2 cô con gái lớn và chồng của họ, đồng thời trục xuất con gái út khỏi nước Anh. Thế nhưng, 2 con gái lớn đã trở mặt, tước tùy tùng và đuổi ông ra khỏi nhà họ, khiến Lear trở nên điên loạn. Đối mặt với nhiều biến cố, ông mới nhận thấy ai là người trung thành, ai là người bảo vệ và yêu thương ông thật sự…
Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng đã thể hiện được dấu ấn trong phiên bản kịch này khi ông lột tả vua Lear khi về già nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ. Ông yêu các con mình, thích những lời phỉnh nịnh và vô tình đã đẩy các con mình vào thế phải tranh giành quyền lực. Câu chuyện của vua Lear vì thế được kéo gần đến cuộc sống hôm nay, với khán giả Việt Nam. Từ đó, chữ “hiếu” đầy nhân văn trong vở kịch trở nên nổi bật, khiến người xem thấm thía, đồng cảm.
Là vở bi kịch nhưng có nhân vật hề điên - bạn đồng hành của Lear, khiến khán giả thư giãn với những tình huống gây cười. Người xem còn thấy thú vị khi đạo diễn đưa nghệ thuật ballet cổ điển châu Âu vào phân đoạn Lear mơ thấy con gái út Cordelia trở về đầy yêu thương. Những lời thoại sâu sắc, hành động giàu ẩn ý của từng nhân vật cũng góp phần cho vở kịch thêm cuốn hút.
Việc quy tụ dàn nghệ sĩ kịch tài năng nhiều thế hệ tạo sự vững vàng cho vở diễn. Nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc Sản xuất và Chỉ đạo nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc đồng thời đóng vai chính - vua Lear, đã nỗ lực thể hiện trọn vẹn hình ảnh một vị vua, một người cha già yếu phải hứng chịu nhiều bi kịch. Những nghệ sĩ kỳ cựu như Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc vai con gái cả Goneril, Nghệ sĩ nhân dân Thu Quế vai con gái thứ hai Regan, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải vai Bá tước Gloucester - một lãnh chúa lớn tuổi trung thành với vua Lear nhưng cũng mắc phải bi kịch tương tự như vị vua của mình, Nghệ sĩ ưu tú Chí Kiên vai chồng của Regan… nhập vai chắc chắn.
Sự đầu tư chu đáo từ dàn dựng, diễn xuất đến sân khấu, âm nhạc, trang phục trong vở “Vua Lear” đã tạo nên một tác phẩm ghi dấu ấn nữa của Sân khấu Lệ Ngọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.