(HNM) - Giám đốc điều hành Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) Mohsen Khopjasteh Mehr vừa tuyên bố công ty này có thể ngay lập tức tăng gấp đôi lượng xuất khẩu dầu mỏ nếu các vấn đề quốc tế mà Iran phải đối mặt được giải quyết.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán để hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran - còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) vẫn đang bế tắc.
Theo ông M.K.Mehr, NIOC đã sẵn sàng tăng xuất khẩu dầu thô sau khi cố gắng trở lại mức sản lượng từng đạt được trước khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran 4 năm trước. Báo cáo của các công ty phân tích năng lượng quốc tế xác nhận rằng xuất khẩu “vàng đen” của Iran đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm qua, chạm ngưỡng gần 1,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021 và duy trì hạn mức trên 1 triệu thùng trong 3 tháng đầu năm nay.
Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết, trong bối cảnh hứng chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn, xuất khẩu dầu của nước này vẫn tăng mà không cần chờ đợi kết quả các cuộc đàm phán nhằm gỡ bỏ trừng phạt vốn đang bị đình trệ.
Xuất khẩu dầu thô của Iran bị giáng một đòn mạnh khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018 - thỏa thuận nhằm hạn chế các hoạt động nguyên tử của nước này để đổi lấy sự cứu trợ kinh tế, bao gồm cả việc bán dầu.
Việc Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt đã cắt giảm tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Iran, gây áp lực lên ngành xuất khẩu dầu, dẫn đến lạm phát ở quốc gia Hồi giáo. Điều này đã khiến nhiều các công ty nước ngoài rời Iran và hạn chế Tehran tiếp cận với nguồn dự trữ ngoại hối cũng như nguồn thu từ dầu mỏ, phi dầu mỏ.
Dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt, ngành công nghiệp xuất khẩu dầu của Iran đã giảm đáng kể. Tehran đã xuất khẩu 2,6 triệu thùng/ngày vào tháng 6-2018, nhưng sau khi Washington rút khỏi JCPOA, xuất khẩu dầu của nước này đã giảm xuống 800.000 thùng/ngày vào tháng 12-2018 và tiếp tục giảm xuống 385.000 thùng/ngày vào tháng 5-2019. Đến nay, xuất khẩu dầu của Iran đã tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 12-2021 và 1,1 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2022.
Đưa JCPOA trở lại đúng hướng là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cuộc đàm phán theo hướng này đã diễn ra tại Vienna (Áo) kể từ tháng 4-2021. Iran và các bên tham gia ký JCPOA đã tiến hành 8 vòng đàm phán.
Trong vòng đàm phán gần nhất cách đây 2 tháng Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó có yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran và đàm phán rơi vào đình trệ. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tỏ thái độ gay gắt về dấu vết của chất phóng xạ được tìm thấy tại một số địa điểm hạt nhân không được khai báo ở Iran.
Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng mối quan tâm của châu Âu đối với ngành xuất khẩu dầu thô đang bị áp đặt lệnh trừng phạt của Iran. Các biện pháp trừng phạt đối với Mátxcơva khiến Lục địa già phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nguồn cung từ Nga để kiềm chế giá năng lượng leo thang.
Trên thực tế, Iran đang đặt cược vào việc nối lại xuất khẩu dầu khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến thị trường năng lượng gần như sụp đổ. Hiện Iran có tới 80 triệu thùng dầu trong kho và Tehran đang cân nhắc khả năng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Giới chức châu Âu nhận định tính cấp bách để khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran đang ngày một tăng. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế của đất nước ở khu vực Trung Đông này mà còn cho nhiều quốc gia đang phải vật lộn với giá nhiên liệu ngày càng leo thang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.