Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong manh cơ hội hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

Thùy Dương| 12/07/2022 06:46

(HNM) - Iran vừa thông báo rằng họ đã bắt đầu làm giàu uranium tới mức 20% bằng các máy ly tâm tiên tiến tại Nhà máy hạt nhân ngầm Fordo. Động thái mới nhất này đã vượt xa những hạn chế mà Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, ký kết năm 2015) áp đặt đối với các hoạt động hạt nhân của Iran. Nó diễn ra khi các cuộc đàm phán giữa các cường quốc phương Tây và Iran đang đi vào bế tắc nên cơ hội hồi sinh JCPOA hết sức mong manh.

Iran bắt đầu làm giàu uranium tới mức 20% bằng các máy ly tâm tiên tiến.

Người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (IAEO) Behrouz Kamalvandi xác nhận, lượng uranium được làm giàu tới 20% đã lần đầu tiên được thu gom từ các máy ly tâm tiên tiến IR-6 vào ngày 9-7. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã xác minh được thông tin Iran sử dụng hệ thống cho phép chuyển đổi nhanh chóng và dễ dàng giữa các mức làm giàu uranium. Trong báo cáo gửi các nước thành viên, Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nêu rõ, hệ thống máy móc hiện đại đã cho phép Iran bơm khí được làm giàu với 5% độ tinh khiết vào các máy ly tâm IR-6 nhằm sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới mức tinh khiết 20%. Iran luôn khẳng định chiến lược của nước này về phát triển hạt nhân hoàn toàn vì mục đích dân sự, không phải để chế tạo vũ khí.

Năm 2015, Iran ký JCPOA với Nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), trong đó Tehran cam kết hạn chế đáng kể việc làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp định và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran. Kể từ khi thỏa thuận sụp đổ, Iran đã công khai khởi động lại các máy ly tâm tiên tiến và các kho dự trữ uranium được làm giàu đang tăng lên nhanh chóng. Từ tháng 4-2021 đến nay, Iran và các bên còn lại tham gia ký kết JCPOA đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm hồi sinh thỏa thuận này. Mỹ tham gia đàm phán với tư cách gián tiếp thông qua Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào đình trệ sau khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran ở Doha (Qatar) kết thúc cuối tháng 6 vừa qua mà không có tiến triển.

Tại vòng đàm phán này, Mỹ bày tỏ thất vọng việc Iran đưa ra những yêu cầu mới, không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân 2015 mà hai quốc gia này đang đàm phán gián tiếp để khôi phục. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Thỏa thuận là điều duy nhất trong đàm phán - đó là chương trình hạt nhân của Iran. Việc đưa ra bất cứ điều gì vượt ra ngoài giới hạn của thỏa thuận này cho thấy sự thiếu nghiêm túc của Iran...”.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, nội dung đàm phán không liên quan đến vấn đề hạt nhân, mà tập trung vào những bất đồng hiện nay về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt chống Tehran. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn rằng, Tehran sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân cho đến khi phương Tây thay đổi cách hành xử và áp đặt mà quốc gia Hồi giáo coi là “bất công và phi lý”.

Cộng đồng quốc tế quan ngại việc Iran và Mỹ vẫn tiếp tục cứng nhắc trong quan điểm đang khiến cuộc đàm phán đi vào vết xe đổ giống như những lần trước. Sự hồi sinh thỏa thuận hạt nhân trở nên xa vời trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và giá lương thực toàn cầu tăng cao đang gây sức ép lên nền kinh tế của Iran. Dẫu vậy, Washington vẫn mong muốn tiếp tục đối thoại để quay trở lại thỏa thuận hạt nhân cùng với Tehran, bởi JCPOA là “chìa khóa” cắt giảm năng lực hạt nhân của Iran, cung cấp một nền tảng để giải quyết căng thẳng và các mối đe dọa bằng con đường ngoại giao thay vì quân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong manh cơ hội hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.