Thế giới

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Cần giải quyết thông qua ngoại giao

Thương Nguyệt 07/07/2023 - 12:41

Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo, ngoại giao là biện pháp hiệu quả duy nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc.

Tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bà Rosemary DiCarlo nhận định, điều cần thiết là tất cả các bên sớm nối lại đối thoại  và đạt được thỏa thuận về các vấn đề còn tồn tại, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký Antonio Guterres đối với Mỹ về việc dỡ bỏ hoặc từ bỏ các biện pháp trừng phạt như đã nêu trong thỏa thuận hạt nhân Iran và gia hạn các miễn trừ liên quan đến thương mại dầu mỏ với quốc gia Tây Á.

Bà Rosemary DiCarlo cũng lặp lại thông điệp của người đứng đầu Liên hợp quốc liên quan việc Iran đảo ngược những cam kết mà quốc gia này đã thực hiện, vốn không phù hợp với nội dung của thỏa thuận hạt nhân.

irannuclear-770x433.jpg
Ngoại giao là biện pháp duy nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cũng tại cuộc họp Hội đồng Bảo an, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng chỉ ra rằng, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận đã dẫn đến khủng hoảng hạt nhân Iran. Bày tỏ lo ngại khi các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ tháng 8- 2022, ông Cảnh Sảng kêu gọi Mỹ cùng các bên liên quan khác nắm bắt động lực tích cực, áp dụng cách tiếp cận thực tế và chung hướng với Iran, đồng thời thúc đẩy việc sớm đưa thỏa thuận trở lại đúng lộ trình.

Ông Cảnh Sảng nhận định, tất cả các bên nên duy trì thái độ hợp lý, giải quyết vấn đề hạt nhân Iran tách biệt với các vấn đề khác và tránh bất kỳ động thái tiêu cực nào có thể khiến tình hình leo thang, phá hỏng những giải pháp chính trị và ngoại giao.

Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân, còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), với các cường quốc thế giới vào tháng 7-2015. Theo thỏa thuận, quốc gia này đồng ý đưa ra một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5-2018, trước khi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran. Sau quyết định của Mỹ, Iran đáp trả với những động thái vi phạm các cam kết trong thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán để khôi phục JCPOA bắt đầu vào tháng 4-2021 tại thủ đô Vienna (Áo). Bất chấp nhiều vòng đàm phán, không có bước đột phá đáng kể nào đạt được kể từ khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc vào tháng 8-2022.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Cần giải quyết thông qua ngoại giao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.