(HNM) - Giải Cánh diều 2013 của Hội Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh (từ ngày 4 đến 9-3) nhưng xem ra không khí chung là… thiếu lửa. Giải đi vào "chiều sâu im lặng" khi không thấy rõ khả năng hấp dẫn công chúng, một bộ phận người làm nghề và có phần "chán" cả truyền thông…
Cánh diều 2013, có 11 phim tham dự thì có tới 3 phim bị truyền thông kêu là "thảm họa", yếu kém cả về nghề - sáng tạo nghệ thuật, lẫn nội dung và khả năng ảnh hưởng xã hội. Chưa kể, cả 3 phim đều chưa được công chiếu cho khán giả. Với một giải thưởng điện ảnh thì đương nhiên phim phải là yếu tố quan trọng nhất. Đưa những phim "nhàng nhàng" vào tranh giải liệu có khiến người trong nghề, khiến công chúng có cảm giác bị xem thường?
Còn nhớ những mùa giải đầu, tất cả người làm nghề đều háo hức, công chúng yêu phim Việt cũng hồi hộp theo dõi xem phim nào, diễn viên nào đoạt Cánh diều vàng. Những cuộc hội thảo, giao lưu, ra mắt đoàn phim, sự kiện khai mạc, bế mạc… diễn ra trong sự náo nhiệt, đến mức có sự ví von Cánh diều "như thể Oscar của điện ảnh nước nhà". Mừng lắm chứ, vì đó là một không gian thú vị cho người làm nghề, cho công chúng tha thiết với nghệ thuật thứ bảy. Tất nhiên, có bột thì mới gột nên hồ, chả phải mùa giải nào cũng có được nhiều phim hay, phim tốt để mà cân đo, trao thưởng… Nhưng, bất luận vì lý do gì, cách thức tổ chức cũng cần hướng tới khán giả - mục tiêu tối thượng của điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác.
Mùa giải này diễn ra tại thành phố sôi động bậc nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, song khá "âm thầm". Phim chiếu ở 2 rạp cách xa nhau, với vài suất chiếu không phải "giờ vàng". Nhiều khán giả "kêu trời" dù biết rõ là chương trình năm nay được rút gọn tối đa, rằng không hội thảo, không giao lưu với đoàn làm phim, không sự kiện bên lề… Có lẽ, vì công việc mà giới báo chí phải biết (nhưng cũng không nhiều người biết rõ). Công tác truyền thông (thực chất là quảng bá hoạt động điện ảnh tới công chúng rộng rãi) rất "nhạt". Thời buổi công nghệ, đâu phải cứ tổ chức họp báo mới quảng bá được thông tin. Vậy mà ở Hà Nội, truyền thông tiếp cận với thông tin giải thưởng cũng thấy khó. Phải nghĩ như thế nào về hiện tượng này? Có điều gì đó khiến một sự kiện điện ảnh mang tính nghề nghiệp cao lại trở nên xa xôi với công chúng đến vậy?
Ai cũng biết, vì những điều kiện nhất định, như kinh phí chẳng hạn, giải thưởng có thể không được tổ chức hoành tráng. Nhưng nếu có "lửa" thì cách làm ắt sẽ khác, ít ra là trong tinh thần chọn lựa tác phẩm, nỗ lực quảng bá…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.