Giải trí

Điện ảnh Việt Nam và hành trình ra thế giới

Việt Văn 13/02/2024 6:15

Điện ảnh cách mạng Việt Nam với bề dày hơn 70 năm lịch sử là lĩnh vực văn học nghệ thuật được Nhà nước quan tâm đầu tư và được sự yêu mến của đông đảo công chúng thuộc mọi tầng lớp. Với những thành tựu đã có trong 70 năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, hành trình đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới đã có những bước đi khởi sắc.

phim-3.jpg
Phim “Tro tàn rực rỡ” nhận giải thưởng Khinh khí cầu vàng tại LHP Ba châu lục (Pháp).

Những dấu ấn gần đây

Điện ảnh Việt Nam hằng năm đều có các bộ phim được cử đi tham dự các Liên hoan phim (LHP) quốc tế có uy tín như LHP Cannes, LHP Berlin, LHP Thượng Hải, LHP Tokyo, LHP Busan... và tham dự giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar... Theo thông tin từ bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2010 đến tháng 11-2023, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim. Nhiều bộ phim của đạo diễn Việt đã góp phần tạo dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Những năm gần đây, có thể kể đến một số thành công của đạo diễn Việt như bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đạt giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fajr (Iran) lần thứ 36, Phim nước ngoài hay nhất tại LHP quốc tế Arizona lần thứ 26; phim “Ròm” của Trần Thanh Huy, giải phim hay nhất tại LHP Busan (Hàn Quốc)... Và đặc biệt mới đây, phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân được trao giải Camera vàng dành cho bộ phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023... Phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diện Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng cao nhất Khinh khí cầu vàng tại LHP Ba châu lục (Pháp)...

phim-1.jpg
“Cha cõng con” đạt giải Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fajr (Iran) lần thứ 36.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất cũng nỗ lực đưa phim Việt ra thị trường thế giới, hướng đến đông đảo khán giả bên ngoài Việt Nam với mục đích thương mại và đã đạt được những thành quả nhất định. Bộ phim “Hai Phượng” (2019) chiếu tại 28 thành phố của Mỹ và có doanh thu 600.000 USD. Phim “Bố già” (2021) có doanh thu 2 triệu USD khi chiếu tại thị trường Mỹ. Bộ phim “Cha cõng con” đã được công chiếu ở 16 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Ấn Độ... Thiên A Phạm, người sáng lập hãng 3388 Films là đơn vị phát hành một số phim Việt tại thị trường Bắc Mỹ cho biết: “Trước đây phải vài năm mới có 1 - 2 phim Việt phát hành tại Bắc Mỹ. Hiện tại con số đó là từ 4 - 6 phim mỗi năm”. Dự kiến số lượng phim Việt Nam phát hành ở nước ngoài sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi Luật Điện ảnh năm 2022 đi vào cuộc sống.

phim-2.jpg
Phạm Thiên Ân nhận giải thưởng Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes với bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng”.

Đòn bẩy mạnh mẽ từ cơ chế, chính sách

Điện ảnh là một ngành nghệ thuật đặc thù bởi tính chất tổng hợp của nó, do vậy, cũng là một lĩnh vực được quan tâm với một hệ thống quy định, chính sách cụ thể và rõ ràng. Có thể kể đến Luật Điện ảnh năm 2006; Luật sửa đổi và bổ sung Luật Điện ảnh năm 2009; Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định điện ảnh là một trong những ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của Việt Nam. Đặc biệt, Luật Điện ảnh năm 2022 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho điện ảnh Việt Nam vươn ra quốc tế với nhiều quy định như cho phép mở rộng chủ thể được tổ chức LHP tại Việt Nam, lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ dùng bối cảnh quay phim tại Việt Nam, chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam...

Trên cơ sở đó, ngoài LHP quốc tế Hà Nội đã có từ năm 2010, tổ chức định kỳ hai năm một lần thì trong năm 2023, đã có thêm LHP châu Á - Đà Nẵng được tổ chức tại Đà Nẵng. Sắp tới, trong năm 2024, LHP quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lần đầu tiên được tổ chức. Những sự kiện này được kỳ vọng tạo ra những bước chuyển mới cho điện ảnh Việt Nam.

Cần những điểm tựa để đột phá

Điện ảnh Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ để tiếp cận với điện ảnh thế giới, vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ là giới thiệu văn hóa, lối sống, con người Việt Nam với quốc tế, vừa để cho thế giới biết đến Việt Nam như là một địa điểm phim trường đa dạng, một thị trường hợp tác, sản xuất điện ảnh đầy tiềm năng. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía để thúc đẩy hướng đi này.

Ngoài việc tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các nhà làm phim Việt Nam tham gia các LHP quốc tế, tăng cường sự quảng bá cho điện ảnh Việt Nam tại các Hội chợ phim và LHP bằng cách mở các gian hàng giới thiệu phim, cử các đoàn đại biểu giao lưu... thì việc có những chính sách ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính, về cơ chế xét duyệt... đối với các đoàn nước ngoài muốn làm phim tại Việt Nam hay muốn hợp tác đầu tư sản xuất phim cũng là điều cần nhanh chóng được thực hiện.

Quỹ Hỗ trợ điện ảnh đã được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, song vẫn cần có những quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn về nguồn thu của Quỹ cũng như vận hành Quỹ như thế nào để có lợi nhất cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, từ hỗ trợ sản xuất, phát hành, quảng bá phim ra nước ngoài, đến việc tìm kiếm, hỗ trợ các tài năng trẻ. Việc thành phố Hồ Chí Minh đang cân nhắc xây dựng hồ sơ ứng cử trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh theo Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng là một cơ hội để tiếp cận với điện ảnh thế giới từ góc độ địa phương.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề đào tạo con người để đáp ứng được với những yêu cầu của điện ảnh Việt Nam trên đường hội nhập. Ngoài một số chương trình đào tạo mang tính chất dự án cộng đồng, hay trại sáng tác kịch bản của Hội Điện ảnh thì chủ yếu nguồn nhân lực của điện ảnh vẫn là đến từ các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh hay các trường có khoa nghệ thuật. Cần phải có một đề án đào tạo cho ngành điện ảnh, mang tính chuyên nghiệp, toàn diện và đa dạng trong mọi lĩnh vực để có những cá nhân tài năng, đáp ứng được yêu cầu phát triển điện ảnh Việt trong thời kỳ mới.

Hành trình ra thế giới của điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu từ lâu, có những thành tựu, nhưng để có nhiều dấu ấn hơn nữa trên trường quốc tế, cần có sự chung tay nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước đến đội ngũ làm phim Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh Việt Nam và hành trình ra thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.