(HNM) - Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì kể từ ngày 25-11-2012 trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC.
Việc quyết định chọn SJC làm nhãn hiệu vàng miếng của NHNN là để ổn định lưu thông vàng miếng, tiết giảm chi phí của xã hội, nhưng giữa mong muốn và thực tế hoàn toàn khác. Thị trường vàng đã xuất hiện những dấu hiệu nhiễu loạn, bất ổn và chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là người dân.
Tình trạng độc quyền trên thị trường kinh doanh vàng miếng đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ảnh: Linh Tâm |
Từ 1 triệu đồng/lượng, mức chênh giữa giá vàng miếng SJC và các thương hiệu vàng miếng khác được nới rộng ra 2 triệu đồng/lượng, thậm chí là 3 triệu đồng/lượng. Điều đáng nói hơn là kể từ khi được trở thành thương hiệu vàng miếng của quốc gia, giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới 2-3 triệu đồng/lượng. Chiều 25-10, giá vàng trong nước hầu như không biến động so với chiều 24-10. Trên thị trường Hà Nội, vàng SJC của Công ty SJC Hà Nội đứng ở mức 46,16 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,28 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vẫn thấp hơn vàng SJC hơn 3 triệu đồng/lượng, niêm yết với giá 42,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Sự chênh lệch quá lớn về giá giữa thương hiệu vàng miếng SJC và các thương hiệu khác khiến vàng SJC nghiễm nhiên được coi là "hàng hiệu", trong khi các loại vàng khác chỉ là hàng "bình dân".
Việc người dân chỉ mua vàng SJC và từ chối mua những thương hiệu vàng khác khiến loại vàng này được giao dịch với giá cao hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm 14h ngày 25-10, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đạt 1.712 USD/ounce, nếu lấy tỷ giá của Vietcombank là 20.870 VND/USD để chuyển đổi ra VND, ngay cả khi cộng thêm chi phí và thuế, giá vàng SJC vẫn bỏ xa thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng chênh quá lớn và điều này cũng có nghĩa người dân đang phải mua vàng SJC với mức giá quá cao. Trong khi đại diện cơ quan chức năng vẫn khẳng định, mức chênh giá vàng giữa 2 thị trường là 400 nghìn đồng/lượng là hợp lý, song khoảng cách này có vẻ như trở thành không tưởng và người dân khó có thể chạm tay được.
NHNN cho phép vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng duy nhất trên thị trường với mục tiêu điều tiết và ổn định thị trường vàng, nhưng những thực tế đang diễn ra trên thị trường này lại không phải là như vậy. Giá vàng SJC quá cao so với thế giới là do sự "độc quyền vàng miếng", gây mất cân đối cung - cầu vàng trên thị trường, bởi hầu hết người dân và DN đều muốn mua vàng SJC. Rõ ràng là giá những thương hiệu vàng miếng khác không chênh lệch nhiều với thế giới. Chưa biết hiệu quả của việc đưa vàng miếng SJC trở thành thương hiệu "độc quyền" đến đâu, nhưng chính sách này của NHNN đang tạo một tâm lý bất ổn cho cả DN và người dân. Bởi, thực tế là các thương hiệu vàng miếng khác giảm mạnh sẽ khiến những người dân sở hữu vàng không phải SJC phải chịu thua thiệt. Còn với những DN kinh doanh vàng khác cũng sẽ chịu áp lực trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sản xuất vàng miếng. Tình trạng giá vàng SJC quá cao so với giá vàng thế giới cũng được lý giải là do các ngân hàng tích cực gom vàng vào để chuẩn bị cho việc ngừng huy động vào ngày 25-11-2012.
Vàng SJC được coi là "độc quyền" cũng khiến tình trạng mua - bán vàng lại rơi vào cảnh náo loạn khi trên thị trường xuất hiện vàng nhái thương hiệu SJC. Người có vàng không phải SJC thì lo ngại bị thiệt đơn thiệt kép, còn người sở hữu vàng SJC cũng không yên tâm vì không biết vàng SJC đó là thật hay nhái thương hiệu SJC. Thông tin Công ty SJC phát hiện được khoảng 300 lượng vàng miếng SJC bị làm nhái trong quá trình thu gom để dập lại đã khiến nhiều người dân đến các cửa hàng của SJC đề nghị kiểm tra lại chất lượng vàng miếng. Trước tình trạng này, NHNN đã đề nghị công an điều tra nguồn gốc vàng miếng làm nhái thương hiệu SJC. Chưa biết cơ quan chức năng giải quyết số vàng nhái thương hiệu SJC này như thế nào, nhưng chắc chắn là những người sở hữu chúng sẽ bị thiệt hại lớn.
Nhìn lại thị trường vàng kể từ khi NHNN đưa vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng của quốc gia, có thể thấy thị trường vàng vẫn chưa giải quyết được vấn đề về chênh lệch giá, sốt giá… mà chỉ tạo quyền lợi cho một DN được định giá và mua bán can thiệp thị trường vàng, từ đó thu lợi lớn cho chính DN đó.
Thị trường vàng Việt Nam chịu tác động của thị trường thế giới, thế nhưng những chính sách đối với thị trường vàng trong nước cần phải bảo đảm một sự ổn định, đồng thời có hành lang pháp lý công bằng cho doanh nghiệp và người dân. Việc NHNN tạo ra sự độc quyền cho SJC đã dẫn đến sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp và người dân khi tham gia thị trường vàng. Không những thế, chính sách này thực tế đã làm nhiễu loạn thị trường. Tại sao SJC lại có được sự ưu ái này?
Việc ưu ái SJC trở thành thương hiệu vàng miếng của NHNN thực tế đã sinh ra độc quyền. Độc quyền sinh ra cửa quyền, tạo ra không ít hệ lụy cho xã hội, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Và đáng nói hơn, việc làm này đã làm giảm lòng tin của nhân dân với các chính sách của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, không nên kéo dài tình trạng độc quyền vàng như hiện nay, mà nên "mở cửa" dần với các DN để cùng cạnh tranh, từ đó đưa ra mức giá hợp lý đối với vàng, nhằm giảm thiệt hại không đáng có cho người dân. Việc áp dụng những chính sách kiểm soát đối với thị trường này chỉ đúng nếu ngành chức năng đưa ra lộ trình phù hợp, đồng bộ và nhất quán. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.