Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chú ý tới tiến độ giải ngân, chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vì thời gian của kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn lại rất ít.
Chiều 25-5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ bảy, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nên tạo tiền lệ thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài
Tại tổ Hà Nội, các đại biểu tập trung thảo luận, bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Đại biểu Trần Việt Anh nêu, việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng tình với chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, từ trước đến nay, các cơ chế, chính sách đặc thù luôn phát huy hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, các “nút thắt” của các cơ chế, chính sách thông thường, giúp cho các chương trình, dự án được hoàn thành đúng tiến độ. Đại biểu đề xuất với tuyến cao tốc này và cả dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nên tạo tiền lệ thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Thống nhất với việc đầu tư theo phương thức PPP của Dự án, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nêu, việc đầu tư theo phương thức này đã có kinh nghiệm thông qua triển khai nhiều dự án nhằm huy động, thu hút tối đa nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư, cơ cấu vốn góp, khả năng, tiến độ góp vốn của nhà đầu tư và nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo đảm tiến độ của dự án.
Cần tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho địa phương
Về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các đại biểu tổ Hà Nội thống nhất cao việc điều chỉnh là cần thiết, bảo đảm tính rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tiễn. Về hình thức điều chỉnh, nội dung này sẽ được bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp.
“Cách hỗ trợ của chương trình đang thực hiện theo cách giữ chân đồng bào sống tự nhiên mà không khuyến khích thay đổi tập quán, phương thức sản xuất. Do đó, cần phải thay đổi chiến lược đầu tư của chương trình thành phương thức đầu tư hỗ trợ bền vững, chuyển đổi tiềm năng tiềm tàng thành thế mạnh. Ngoài ra, chương trình cũng nên tập trung đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú, bán trú, giúp thay đổi nhận thức, tư duy của các thế hệ trẻ em người dân tộc miền núi”, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị, Chính phủ và các cơ quan chủ trì cần chú ý tới tiến độ thực hiện, chất lượng thực hiện chương trình cũng như tiến độ giải ngân vì thời gian của kế hoạch 5 năm 2021-2025 còn lại rất ít, trong khi đó, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu và giải ngân các nguồn vốn chưa tương xứng.
Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, đại biểu cũng nêu cần tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương tự quyết định trong tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ cho các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, từng năm cũng như trung hạn 5 năm.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao và ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng hưởng thụ của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm, là các đối tượng tác động trực tiếp đến 3/6 chỉ số đo lường của chuẩn nghèo đa chiều: Giáo dục, y tế và văn hóa thông tin.
Do thời gian còn lại của giai đoạn 1 không nhiều (còn 1,5 năm), đại biểu kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể, ban hành kế hoạch triển khai; quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.
“Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo chương trình phục hồi kinh tế và theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.