Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay.
Chiều 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Thảo luận tại phiên họp, về chính sách đầu tư phát triển, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, còn bất cập trong quy định pháp luật hiện hành khiến các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, do đó, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế - xã hội.
“Nội dung này tôi đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong năm 2022 và năm 2023, đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật…
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, tạo điều kiện rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, trong báo cáo giám sát chưa có đánh giá cụ thể kết quả, hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện, liệu có việc lợi dụng cơ chế, chính sách trong thực hiện chỉ định thầu hay không? Để rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai thời gian tới, đại biểu đề nghị cần có bổ sung đánh giá phần này trong báo cáo.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị, Quốc hội cần xem xét ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Kiến nghị, Chính phủ cần điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Lý giải kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, cho biết: Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.
“Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Và việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, đây là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách để các chính sách nhanh chóng được đưa vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.