Sau khi nhiều nước lên tiếng phản đối Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh, ngày 12/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố lên án về việc vụ việc này.
ày 12/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố lên án về việc vụ việc này.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã khẳng định quyền lợi phát triển chương trình nghiên cứu không gian, khẳng định đây là quyền hợp pháp của Triều Tiên phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng vi phạm các nghị quyết số 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn về phản ứng đối với hành động của Triều Tiên và sẽ kiên quyết hành động nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ phóng mới.
Ông Mohammed Loulichk - Đại sứ Morocco tại Liên Hợp Quốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 12 nêu rõ: “Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhắc lại rằng, tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không tiến hành thêm bất cứ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, đồng thời thể hiện quyết tâm rằng Hội đồng Bảo an sẽ có hành động thích hợp nếu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp tục các vụ phóng này. Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn về phản ứng thích hợp dựa trên những trách nhiệm của hội đồng trong tình huống khẩn cấp này”.
Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Kim Sook cho rằng, vụ phóng vệ tinh của Cộng hòa Dân nhủ Nhân dân Triều Tiên đe dọa đến an ninh của bán đảo Triều Tiên nói riêng và vùng Đông Bắc Á nói chung, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định thế giới: “Hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là một trong những thách thức nghiêm trọng mà chúng ta phải đối mặt. Vấn đề này sẽ phải tiếp tục được thảo luận trong khuôn khổ song phương cũng như trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Trong khi đó, Mỹ cảnh báo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “những hậu quả” của vụ phóng vệ tinh này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cho biết, trong những ngày tới, Mỹ sẽ thảo luận với các đối tác trong Hội đồng Bảo an và các nước tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên để có các biện pháp ứng phó thích hợp.
Còn trong tuyên bố mới nhất vào hôm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và bày tỏ lo ngại hành động này có thể tác động tiêu cực đến triển vọng hòa bình và an ninh khu vực.
Phát biểu tại New York, Tổng thư ký Ban Ki-moon nói: “Tôi hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tôi cảm thấy thất vọng về việc Triều Tiên phóng tên lửa bất chấp sự kêu gọi mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Đây là hành động vi phạm nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong đó có việc Hội đồng an Liên Hợp Quốc kêu gọi Triều Tiên không sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Triều Tiên không thực hiện những hành động như vậy”.
Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết mới lên án Triều Tiên và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc thông qua một nghị quyết như vậy phụ thuộc nhiều vào 2 nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết là Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ tiếp tục phát triển chương trình nghiên cứu không gian, khẳng định đây là quyền hợp pháp của Triều Tiên phù hợp với luật pháp quốc tế. Triều Tiên khẳng định việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ của Triều Tiên, đồng thời giúp nước này từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân. Bình Nhưỡng cũng lên án mọi chỉ trích nhằm vào vụ phóng là hành động thù địch chống Triều Tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.