Môi trường

Tổng lực giải pháp bảo vệ rừng mùa nắng nóng

Hoàng Sơn 05/05/2024 18:10

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành có liên quan triển khai tổng lực các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng.

11rung.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Ảnh: Hoàng Sơn

Chiều 5-5, tại tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.

Tham dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại; đại diện các sở, ban, ngành thành phố.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2023, cả nước xảy ra 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng, giảm 597 vụ so với cùng kỳ năm 2022, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8ha.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, các tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2ha, giảm 75,7ha. Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, như: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên...

2rung.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Hoàng Sơn

Cũng trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5ha. Trong 4 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính khoảng 498ha, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, vụ cháy từ ngày 26 và 27-4 vừa qua tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã thiêu rụi gần 20ha rừng, làm 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh và 1 kiểm lâm viên khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng... dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Các vụ cháy rừng ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…

Tại Hà Nội, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng tại gốc; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng và nắm bắt thông tin để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Nhờ đó, số vụ cháy rừng trong 4 tháng qua ở Hà Nội giảm mạnh, chỉ xảy ra 2 vụ cháy. Các vụ cháy rừng này đều được phát hiện và triển khai lực lượng dập tắt kịp thời, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng…

Tại hội nghị, các địa phương cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, như: Tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác gỗ làm nhà; việc chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng còn phức tạp ở một số địa phương; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn chế...

ongquang.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, năm 2024 ghi nhận sự khắc nghiệt của thời tiết, biến đổi khí hậu gay gắt, nắng nóng tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương nên nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm). Vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đòi hỏi sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành có liên quan triển khai tổng lực các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, người dân, chủ rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động đốt nương làm rẫy bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng đốt nương vào những ngày hanh khô, gió lớn.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, các địa phương trong cả nước phải xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chủ rừng phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, cho thuê; kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong tham mưu triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Các lực lượng chức năng tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng nóng; thường xuyên kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Các địa phương cần làm tốt công tác “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng, rà soát phương án bảo vệ rừng phù hợp thực tiễn; lực lượng kiểm lâm các cấp đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống giám sát, phát hiện sớm cháy rừng tự động; ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS, công nghệ hiện đại trong xác định mất rừng, suy thoái rừng, sự thay đổi của rừng, cháy rừng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng lực giải pháp bảo vệ rừng mùa nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.