Reuters dẫn nguồn tin từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày 21-11 cho biết, Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản về kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh quân sự trong khoảng thời gian từ ngày 22-11 đến 1-12 theo hướng biển Hoàng Hải và Hoa Đông.
Nếu được thực hiện, động thái này sẽ đánh dấu nỗ lực thứ ba của Triều Tiên trong năm nay nhằm đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo. Hai nỗ lực trước đó đều thất bại, các nhà khoa học Triều Tiên đã hứa sẽ thử lại vào tháng 10.
Đây sẽ là vụ phóng đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện chuyến công du nước ngoài hiếm hoi vào tháng 9 và tới thăm trung tâm phóng không gian hiện đại nhất của Nga và Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.
Thông báo của Triều Tiên cũng được đưa ra sau lời tố cáo hôm 20-11 về việc Mỹ có thể bán hàng trăm tên lửa cho Nhật Bản và Hàn Quốc, gọi đây là hành động nguy hiểm làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trong tuyên bố do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng sẽ tăng cường các biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng bất ổn trong khu vực mà họ cho rằng là do Mỹ và các đồng minh gây ra.
Sau thông báo của Triều Tiên về vụ phóng vệ tinh, văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho biết trên mạng xã hội X rằng, nước này sẽ làm việc với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác “thúc đẩy mạnh mẽ" các giải pháp để Triều Tiên không tiếp tục thực hiện phóng vệ tinh.
Bình Nhưỡng đang tìm cách đưa một vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo và cho biết, họ có kế hoạch phóng vệ tinh theo dõi các động thái của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Triều Tiên phóng một vệ tinh vào ngày 31-5 và đã thất bại. KCNA đưa tin, bệ phóng Chollima-1 bị hỏng do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định. Bình Nhưỡng tìm cách hoàn thành sứ mệnh vào ngày 24-8 nhưng lại thất bại sau khi tên lửa đẩy gặp sự cố ở tầng thứ ba.
Mỹ và các đồng minh gọi các cuộc thử nghiệm hệ thống vệ tinh của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cấm mọi sự phát triển công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Triều Tiên coi các chương trình tên lửa quân sự và không gian của mình là quyền chủ quyền và các nhà phân tích cho rằng, các vệ tinh do thám rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của vũ khí nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.