(HNM) - Trước tình trạng có máy ATM ở Hà Nội bị phát hiện có gắn chip ăn cắp thông tin chủ thẻ, hầu hết người sử dụng thẻ đều tỏ ra lo ngại về tính an toàn của máy ATM. Nhiều người thậm chí phải tìm máy được lắp đặt ở ngân hàng, nơi thường xuyên có bảo vệ để thực hiện giao dịch…
Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, sử dụng thẻ ATM trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, không ít chủ thẻ lo ngại những rủi ro của tài khoản khi một số ngân hàng đã ra thông báo yêu cầu tạm khóa tài khoản và đề nghị chủ thẻ đến ngân hàng làm lại thẻ mới. Mặc dù cho đến nay chưa có chủ thẻ nào lên tiếng về những thiệt hại, nhưng tính bảo mật của máy ATM vẫn đang là dấu hỏi của nhiều chủ thẻ dành cho cả hệ thống ngân hàng.
Người sử dụng thẻ nên cảnh giác khi rút tiền tại các máy ATM. Ảnh: Bảo Kha |
Không phải ngẫu nhiên những người sử dụng thẻ ATM lại lo lắng như vậy. Trên thực tế, trong mấy ngày gần đây, một chủ thẻ của TienPhongBank đã nhận được thông báo thẻ tạm thời phải khóa do có nguy cơ bị mất trộm thông tin khi giao dịch trên máy ATM trên phố Đại La. Máy ATM này có thể đã bị gắn thiết bị ăn cắp thông tin của chủ thẻ, nên những giao dịch trên máy của chủ thẻ trên có khả năng đã bị ăn cắp. Một số chủ thẻ khác đã từng giao dịch trên máy ATM trên phố Đại La cũng khó tránh khỏi tình trạng bị ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Theo các chuyên gia ngân hàng, tình trạng kẻ gian gắn thiết bị vào máy để từ đó lấy những dữ liệu của chủ thẻ như tên, mật khẩu truy cập đã có từ lâu. Thông thường, kẻ gian gắn loại chip cạnh khe nhét thẻ của máy, cùng một camera gắn xung quanh máy rút tiền để khi khách hàng thực hiện giao dịch sẽ lấy thông tin. Từ đó kẻ gian có thể dùng các dịch vụ khác của ngân hàng như sms banking, internet banking để ăn trộm tiền của chủ thẻ hoặc sao chép toàn bộ dữ liệu vào một thẻ giả để rút tiền.
Đại diện một ngân hàng ở Hà Nội thừa nhận, hiện nay, nhiều máy ATM chưa được lắp thiết bị báo động khi bị gắn vật thể lạ. Vì vậy, để phát hiện thiết bị chip, không có cách nào khác là phải nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên, các chủ thẻ không nên quá lo lắng, bởi thiết bị chip gắn ở các máy để có thể đọc được thông tin thường có kích thước khá lớn, nên nếu chủ thẻ quan sát kỹ máy, đặc biệt là khe cắm thẻ, quanh buồng máy trước khi thực hiện giao dịch sẽ khó bị rủi ro. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng kiểm tra máy ATM khá thường xuyên, nên ít có tình trạng máy bị gắn chip mà không bị phát hiện.
Mặc dù các ngân hàng khẳng định như vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia, ngoài việc quan sát, chủ thẻ nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm những ATM đặt ở những nơi an toàn, có bảo vệ để tránh gặp rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.