(HNM) - Tỷ lệ phủ kín quy hoạch của Hà Nội khá cao, song đầu tư phát triển giữa nội thành - ngoại thành chưa đồng bộ. Thành phố đang hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị nhằm tăng cường quản lý, thu hút đầu tư, khắc phục bất cập trên. Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh với phóng viên Báo Hànộimới về công tác quy hoạch xây dựng của Thủ đô.
- Xin ông cho biết, tỷ lệ phủ kín quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội hiện nay là bao nhiêu?
- Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, đến nay thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích tự nhiên là 86%, chưa kể 5 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố cũng đã phê duyệt 141 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, với tổng diện tích khoảng 11 nghìn héc ta, là cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang chỉ đạo thực hiện các đồ án đặc thù, lần đầu triển khai trên địa bàn như: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng...
- Ông đánh giá như thế nào về công tác phát triển, xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô theo quy hoạch được duyệt?
- Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các kế hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị đã được triển khai tích cực. Đầu tư xây dựng đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, dự án hạ tầng đô thị quan trọng, phục vụ dân sinh, các công trình trọng điểm được tập trung thực hiện. Nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu về chỗ ở, mang đến diện mạo đô thị hiện đại. Đặc biệt, thành phố đã đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội nói riêng và nhà ở nói chung theo chương trình, kế hoạch được duyệt...
Song, cũng phải thừa nhận, việc phát triển, xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó đáng chú ý là việc gia tăng dân số cơ học; sức hút dân cư vào khu vực nội thành tìm kiếm công ăn, việc làm vẫn tiếp tục tăng cao. Công tác đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ tại khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh còn chậm. Các dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng nhanh hơn tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị dẫn đến quá tải về hạ tầng...
- Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, song hiện vẫn thiếu sự gắn kết giữa nội thành và ngoại thành. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Nhằm phát triển gắn kết giữa nội thành và ngoại thành, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố và các bộ, ngành đang tập trung hoàn thành 2 tuyến đường sắt đô thị (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội) và đang kêu gọi đầu tư 6 tuyến khác. Thành phố cũng đã triển khai tuyến buýt nhanh BRT (Yên Nghĩa - Cát Linh); mở mới 14 tuyến buýt có trợ giá, phủ kín 100% huyện...
Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh một số khó khăn, dẫn đến tốc độ phát triển khu vực ngoại thành chưa đồng bộ. Đó là việc triển khai quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm; nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội còn thiếu. Việc di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục đại học ra ngoài khu vực ngoại thành, theo danh mục, tiêu chí, lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, còn chậm, chưa tạo sức hút phát triển cho khu vực ngoại thành...
- Thực tế những năm qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu chặt chẽ... đã gây không ít hệ lụy, tạo áp lực lên đô thị, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
- Bên cạnh nguyên nhân và khó khăn đã nêu trên, còn có các nguyên nhân: Khối lượng các đồ án quy hoạch được đồng thời triển khai rất lớn, bên cạnh việc phải rà soát, khớp nối với các quy hoạch chuyên ngành khác làm chậm tiến độ thực hiện. Nguồn kinh phí lập đồ án cũng như đầu tư hạ tầng theo quy hoạch còn hạn chế; lộ trình đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của thành phố, quận, huyện, chủ sử dụng đất..., nên việc thu hồi hoặc cải tạo chỉnh trang, bảo đảm đồng bộ tuyến đường khi đưa vào khai thác còn gặp nhiều khó khăn...
- Vậy chúng ta cần làm gì để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, thưa ông?
- Về giải pháp, chúng tôi đang hoàn thiện, trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố, trong đó xác định danh mục, lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị (đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh...) theo từng giai đoạn, tương thích với tiềm năng và nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả quỹ đất nhằm kiểm soát, không phát triển tràn lan, dàn trải.
Chúng tôi cũng lựa chọn các khu vực ưu tiên phát triển đô thị, tạo động lực lan tỏa; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại để phát triển khu ngoại thành, khu đô thị vệ tinh. Ngoài ra, chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu về quy hoạch và hành lang pháp lý liên quan...
Về nguồn lực, thành phố đã đề xuất được ưu tiên bố trí các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA... để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, công trình hạ tầng giao thông khung, phát triển vận tải hành khách công cộng với chất lượng dịch vụ cao đến khu vực ngoại thành, đô thị vệ tinh nhằm tạo sự thuận lợi trong đi lại của người dân, góp phần điều tiết và giãn dân cho khu vực nội thành...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.