Tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan và chuyên gia hội đồng thẩm định, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được cập nhật, hoàn chỉnh vào hồ sơ. Nhiều định hướng phát triển đã tiếp tục được bổ sung, làm rõ hơn.
Tiếp thu hoàn chỉnh đồ án quy hoạch
Trong bối cảnh các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng và phát triển đô thị, nông thôn đã có những thay đổi, bổ sung, việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của thành phố Hà Nội.
Tuân thủ theo đúng quy trình lập quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng, để hoàn thiện đồ án đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển đột phá về kinh tế xã hội và bền vững về dài hạn, trở thành trung tâm động lực phát triển của quốc gia…, việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đóng vai trò rất quan trọng.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Sở cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại diện cộng đồng dân cư, chuyên gia, hội nghề nghiệp thông qua các hội thảo, hội nghị. Sau đó, đơn vị lập điều chỉnh quy hoạch báo cáo Thành ủy, UBND thành phố và báo cáo thông qua HĐND thành phố.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan, UBND thành phố Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nghiên cứu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh hồ sơ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung.
Một bước tiến quan trọng là ngày 16-3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị và thống nhất thông qua điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với một số yêu cầu chỉnh sửa. UBND thành phố Hà Nội đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nghiên cứu các ý kiến của bộ, ngành trung ương, tiếp thu hoàn chỉnh đồ án quy hoạch, giải trình các vấn đề có liên quan.
Lập dự án sân bay thứ hai sau năm 2030
Ý kiến góp ý của bộ, ngành trung ương, hội nghề nghiệp, chuyên gia phản biện đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được nghiên cứu tiếp thu theo nhóm ý kiến và từng ý kiến cụ thể.
Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho hay, đồ án đã được bổ sung thuyết minh làm rõ việc áp dụng các mô hình phát triển đô thị mới, như đô thị xanh, đô thị thông minh, thành phố trong Thủ đô, đô thị sinh thái, đô thị theo mô hình TOD; bổ sung các quy định, giải pháp liên quan tới phát triển không gian ngầm.
Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng và các chuyên gia, đồ án đã bổ sung thuyết minh, làm rõ các nội dung về chỉ tiêu, nguyên tắc, điều kiện áp dụng để phát triển đô thị Hà Nội theo mô hình TOD. Theo đó, dựa trên các nguyên tắc phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng để lựa chọn chức năng đô thị, không gian xây dựng cao tầng, xây dựng ngầm, mật độ xây dựng và mật độ dân số, điều kiện cơ sở hạ tầng... Ngoài ra là quan tâm tới phát triển các dự án đô thị đồng bộ về hạ tầng và không gian, tránh phát triển lan tỏa, tự phát, mật độ thấp như hiện nay.
“Về việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm bố trí sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô tại phía Nam Hà Nội, qua khảo sát thực tế, đánh giá các vấn đề kỹ thuật, tư vấn đề xuất vị trí tại huyện Ứng Hòa, với mặt bằng khoảng 1.500ha, dự trữ khoảng 3.000-5.000ha cho phát triển các chức năng hỗ trợ sân bay, đồng thời định hướng các hạ tầng kết nối vào sân bay. Trên cơ sở đó, đồ án khoanh vùng dự trữ phát triển để kiểm soát. Dự án cụ thể sẽ căn cứ vào nhu cầu phát triển, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu, có thể ở giai đoạn sau năm 2030", kiến trúc sư Lê Hoàng Phương nêu.
Thống nhất với ý kiến góp ý của các chuyên gia về nguyên nhân cản trở việc phát triển thành phố hai bên sông Hồng trong thời gian qua là do thiếu nguồn lực xây dựng hạ tầng kết nối hai bên sông và yêu cầu kiểm soát hành lang thoát lũ, các đơn vị tư vấn thống nhất đây là thời điểm thích hợp phát triển trục sông Hồng trở thành trục không gian kiến trúc cảnh quan sinh thái trung tâm của Vùng đô thị Hà Nội. Điều đó sẽ được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch triển khai và các giải pháp quy hoạch cụ thể.
Với những nội dung công việc nêu trên, các đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đồ án, rà soát quy trình, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố, Bộ Xây dựng để sớm xin ý kiến Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.